Hoàn thiện chính sách hỗ trợ sau bão số 3 tạo nguồn lực khôi phục sản xuất, kinh doanh

11/10/2024 15:01 Số lượt xem: 394
Ngày 11-10, UBND tỉnh tổ chức phiên họp chuyên đề tháng 10. Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Đồng chí Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh dự.

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo phiên họp.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh ý nghĩa phiên họp chuyên đề nhằm giải quyết hiệu quả các nội dung công việc của tỉnh. Ngoài cơ quan quản lý, UBND tỉnh mời lãnh đạo HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, MTTQ tỉnh nhằm tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung, nhất là việc xây dựng chính sách hiệu quả ngay từ quá trình đầu tiên, bảo đảm chặt chẽ, mang tính thống nhất cao.

Dự thảo ban hành Nghị quyết quy định số lượng, chức danh; một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thôn, khu phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố do Sở Nội vụ báo cáo được đánh giá là rất cần thiết nhằm quy định cụ thể, chi tiết Nghị định số 33/2023/NĐ-CP năm 2023 của Chính phủ và thay thế Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND năm 2022 của HĐND tỉnh Bắc Ninh bảo đảm sự phù hợp với các quy định mới của Trung ương và tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự thảo Nghị quyết đề xuất cụ thể số lượng, chức danh; bổ sung phụ cấp hỗ trợ theo bằng cấp, tăng mức khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; sửa đổi mức khoán kinh phí, hỗ trợ kinh phí hoạt động của các tổ chức cấp xã…

 

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hồng Phúc báo cáo nội dung chuyên đề về chính sách cho các chức danh không chuyên trách cấp cơ sở.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, nội dung dự thảo Nghị quyết có tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn và khu phố. Giao Sở Nội vụ tiếp thu, lấy ý kiến của các ngành, địa phương, vận dụng tối đa các quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng cụ thể, chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách; hoàn thành dự thảo sớm để trình tại kỳ họp HĐND tháng 10, bảo đảm Nghị quyết khi ban hành đi vào thực tiễn đáp ứng mong muốn của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình thiệt hại sau bão số 3 cho thấy, ước tổng thiệt hại trên địa bàn khoảng 1.488,21 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng khoảng 266 tỷ đồng, sản xuất nông nghiệp 917,98 tỷ đồng, công nghiệp và công trình khác 195,49 tỷ đồng, sự cố đê điều và công trình thủy lợi 108,78 tỷ đồng…Sau khi rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh hiện có, Sở Nông nghiệp đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại dự kiến 38,62 tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng thiệt hại đã được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ 31,34 tỷ đồng và chưa được quy định là 7,28 tỷ đồng; chi trả lãi suất vay đối với các dự án vay bị thiệt hại; bố trí kinh phí khắc phục cây rừng, xử lý sự cố tạm thời trong thời gian xảy ra bão, lũ; bổ sung nguồn vốn vay cho người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh…

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3.

 

Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương Sở Nông nghiệp và Nông nghiệp PTNT nhanh chóng tổng hợp thống kê thiệt hại từ các địa phương, ngành, lĩnh vực; rà soát công tác khắc phục hậu quả từ đó đề xuất phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh hợp lý. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các cơ quan hoàn thiện chi tiết nội dung chính sách hỗ trợ để trình HĐND xem xét, thông qua và triển khai trong thời gian sớm nhất tạo nguồn lực cho người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.   

Phiên họp cho ý kiến vào các nội dung: Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn; Đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh (thay thế Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 11-12-2020 của HĐND tỉnh) về tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động bảo đảm chế độ chính sách đối với Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh; Tờ trình về việc phê duyệt nguồn, nhu cầu bổ sung từ nguồn cải cách tiền lương năm 2024; Quy định mức chi bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước; Đề án Mở rộng, bổ sung và nâng cao chất lượng hệ thống hội nghị truyền hình ba cấp (từ năm 2024 đến năm 2026); Báo cáo thẩm định đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn giai đoạn II, Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP tỷ lệ 1/2000; Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của huyện Tiên Du, Yên Phong và thành phố Từ Sơn…và một số vấn đề quan trọng khác.

 

V. Thắng - H. Thương