Chuyện bàn trà từ một bài báo

20/09/2024 08:54 Số lượt xem: 40
Như thường lệ, hằng ngày sau khi thể dục và ăn sáng xong bộ ba chúng tôi lại đến với nhau quanh ấm trà với đủ thứ chuyện. Chuyện thời sự, chuyện quê hương, chuyện cũ, chuyện mới... ngày nào cũng vậy.

Chưa kịp uống xong chén trà đầu tiên, cầm tờ báo Bắc Ninh trên tay, ông bạn dứ dứ: Báo mới đây, bài mới đây, hôm nay cứ phải ba ấm trà mới hết chuyện nhá.
Hạ tờ báo cho mọi người nhìn rõ, ông bạn chỉ lướt qua số báo như để khẳng định báo mới 100% rồi đè cả ngón trỏ lên tiêu đề và nhấn từng từ: “Đưa văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc thấm sâu vào đời sống”. Đọc xong tiêu đề ông mới rành rọt “là một bài mới, định hướng mới cho những giá trị cũ, giá trị truyền thống đấy nha, lắm chuyện lắm. Uống đi rồi tôi đọc cho mà nghe”.
Mới đọc xong câu đầu: “Bắc Ninh luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và sức mạnh nội sinh của sự phát triển” ông đã dừng và nói như đinh đóng cột, cái này là chính xác, tôi nhất trí luôn! Do đã đọc trước, ông không đọc nguyên văn cả bài mà biết nhấn, biết trích những vấn đề cần thiết để mọi người dễ nhớ.
Vẫn với vị thế chủ động của người được đọc trước, ông dẫn dắt mọi người vào cuộc. Đấy, các ông thấy chưa? Có nghị quyết hẳn hoi, có nêu nhiệm vụ, giải pháp cho các cấp, các ngành, đặc biệt là yêu cầu đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có nghiên cứu, đề xuất và tổ chức hiệu quả, sáng tạo các hoạt động. Vậy, các ông thấy mình có thể đóng góp được gì không?
Bị hỏi bất ngờ, tự nhiên cả nhóm chỉ biết cười. Sau những tiếng cười thoải mái ấy là khoảng lặng đủ để cho những “cao kiến” hình thành.
Nội dung được hầu hết thống nhất một cách nhanh chóng chính là tiêu đề của bài báo, ai cũng cho rằng vấn đề “Đưa văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc thấm sâu vào đời sống” được đặt ra lúc này là rất đúng và cần thiết. Nhưng khi bàn sâu hơn về cơ sở của vấn đề, nhiệm vụ, giải pháp và nhất là sự phối hợp của các cấp, các ngành thì không khí bỗng bị “hạ nhiệt” và rời rạc.
Lại vẫn ông có tờ báo lên tiếng: “Những vấn đề này đã có các cơ quan chuyên môn, họ vừa có lãnh đạo, vừa có nghiệp vụ. Mình cứ nhìn vào Câu lạc bộ Làng Quan họ thực hành (CLB) của quê mình thôi, góp ý được gì thì góp!”.

 


Đúng là ông ấy gỡ bí tài thật. Sau gợi ý của ông, câu chuyện lại trở nên rôm rả. Người thì góp ý về vị trí “thủ lĩnh” (tức Chủ nhiệm CLB), người thì góp ý về cách thức tổ chức hoạt động, về tạo thêm nguồn kinh phí cho CLB. Riêng ông giáo từ đầu đến giờ vẫn chỉ lặng lẽ nghe. Bởi như ông thường tâm sự, mình xa quê lâu rồi, nay về hưu, nghe là chính. Nhưng khi biết mọi người đợi ý kiến của mình, ông mới chậm rãi “Với CLB Làng Quan họ thực hành của mình, tôi thấy cũng khá ổn. Mọi việc đã có lãnh đạo, có đoàn thể, các thành viên từ trẻ tới già đều rất nhiệt tình, duy chỉ có điều, thành lập ra CLB này là để kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống của những làn điệu Quan họ, nhưng xem ra một số lời của Quan họ cổ hoặc đang bị mai một, hoặc hiểu không thống nhất mà ít ai để ý. Nếu cứ để vậy thì việc kế thừa sẽ khó được như mong muốn”.
Nhấp ngụm trà, ông giáo xuống giọng “xin được đơn cử từ một số bài mà CLB đang tập luyện. Ví như, ở bài “Qua cầu gió bay” có lời “Yêu nhau, cởi áo cho nhau”, lại có người hát “Yêu nhau cởi áo trao nhau”; Vậy đúng lời cổ là “cho” hay “trao”? Bởi “cho” và “trao” nó khác nhau nhiều lắm. Chữ “trao nhau” hợp với cái “duyên” của Quan họ hơn. Còn chữ “cho” thì mắc ở chỗ: Một người cởi hay cả hai đều cởi? Và ai cởi cho ai? Tự mình cởi hay người kia cởi hộ đều không ổn.Vậy mà ta cứ hát, hát vô tư...
Có chỗ còn do không hiểu lời cổ mà bị thay lời, ở bài “Tương phùng tương ngộ” chẳng hạn, lời cổ vốn là “Xuôi lên cộ văng vẳng tiếng tơ tình”, nhưng vì không hiểu cộ là gì, nên bị hát thành “Xuôi lên bộ...”. Sau tiếng cười nghi vấn là một câu hỏi khó, vậy theo ông, cộ là gì? Ông giáo hạ giọng, cộ là cái xe chạy bằng thanh trượt, không có bánh xe, nó ra đời đã từ lâu lắm, từ nó mà sau này xe có bánh mới ra đời.  Cái chữ “cộ” này cho ta một thông tin rất thú vị, đó là những làn điệu Quan họ này cũng đã ra đời từ lâu, rất lâu. Hôm trước, tôi có nghe một nhóm ca sĩ của Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc biểu diễn cũng hát “Xuôi lên cộ văng vẳng tiếng tơ tình”, được nghe đúng lời sướng lắm các ông ạ.
Sau tiếng “à ra thế” của bạn, ông giáo tiếp tục “lại có trường hợp, do chưa hiểu hết phong tục cổ, lễ nghĩa cổ nên không gửi hết được cái tình qua lời hát. Ví như, trong bài “Mời nước mời trầu”, có câu “Mấy khi khách đến chơi nhà, đốt than quạt nước pha trà (em) mời người xơi”, người hát không mấy khi đạt đến độ trân trọng của chủ nhà. Có thể người hát biết “đốt than” để đun nước nhưng chưa thấy hết được ý nghĩa của “quạt nước”. Người xưa đun bằng rơm, bằng củi, bằng than, trong đó đốt than là cao cấp nhất, ít khói nhất. Tuy vậy, đun bằng than thì vẫn có khói, dù rất ít. Vì quý khách, trân trọng khách mà ta phải vừa đun, vừa quạt nhẹ để nước không bị oi khói, để ấm trà có được vị thanh khiết nhất. Người quan họ quý khách là vậy mà lễ nghĩa cũng là vậy!”.
Với những chia sẻ của ông giáo, những chén trà như ngon hơn, đậm đà hơn. Với tư cách người khởi sự, chủ của tờ báo nói như kết luận “Vậy là bài báo đã thêm nhiệm vụ cho cánh mình rồi đấy. Tôi sẽ trao đổi với Chủ nhiệm CLB về việc tạo thêm nguồn kinh phí và gọi thêm mấy cháu trẻ có năng khiếu; Ông giáo có nhiệm vụ tìm hiểu thêm những câu hát vừa nêu, khi có cơ sở chắc chắn, mình cứ mạnh dạn góp ý; còn các ông Cựu chiến binh quen dân vận, góp thêm cho việc xây dựng phong trào, có phong trào mới có khí thế, có chất lượng”.

Nguyễn ĐÌnh Hùng