Chủ động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em
Học sinh Trường Tiểu học Long Châu (huyện Yên Phong) học kỹ năng tự nổi giúp phòng, chống tai nạn đuối nước.
Nguy cơ tai nạn thương tích
Thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong vòng chưa đầy 5 tháng đầu năm (từ 11- 1 đến 14-5) đã ghi nhận 5 trường hợp trẻ em bị tai nạn giao thông, 6 trẻ em bị đuối nước tử vong. Trong kỳ nghỉ lễ 30- 4 và 1-5, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Hồi 16 giờ 24 phút ngày 29-4, vụ tai nạn đuối nước xảy ra tại thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm (Gia Bình) làm 2 em sinh năm 2011 thiệt mạng. Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 30-4 tại hồ điều hòa phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh) xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm 1 trẻ bị thiệt mạng… Mỗi vụ đuối nước xảy ra đều để lại nỗi đau đớn, xót xa cho gia đình những nạn nhân. Trong đó, nguyên nhân cốt yếu được xác định là do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn khi để con em mình tự do chơi đùa, bơi lội ở gần ao, hồ, sông… trong khi thiếu những điều kiện bảo đảm an toàn.
Theo bà Phạm Thị Hồng Quyên, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), trẻ em thường hiếu động, tò mò, thích sao chép hành động của người lớn nhưng kỹ năng bảo vệ bản thân gần như chưa được hình thành nên rất dễ bị TNTT. Những vụ TNTT nặng xảy ra với trẻ để lại nỗi ân hận đeo đẳng các bậc phụ huynh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ. TNTT trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như: Đuối nước, điện giật, ngã từ trên cao, bỏng, hóc dị vật… Những hành động chủ quan tưởng chừng đơn giản của người lớn như: Không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi đi xe máy, để trẻ tự do bơi lội ở sông, hồ, ở nhà một mình… có thể vô tình đặt trẻ em trước những nguy cơ TNTT với hậu quả khôn lường.
Học sinh được hướng dẫn sơ cứu người gặp tai nạn thương tích tại buổi trải nghiệm do Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức.
Trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ
Với mục tiêu giúp học sinh, giáo viên các nhà trường nâng cao hiểu biết về các kỹ năng cơ bản phòng chống TNTT, kêu gọi gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung tay bảo vệ trẻ em, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các đợt truyền thông về quyền trẻ em trong đó nhấn mạnh nội dung về phòng chống TNTT.
Trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay, chương trình được tổ chức tại 5 trường Tiểu học trong tỉnh với sự tham gia của gần 6 nghìn học sinh. Tại mỗi buổi truyền thông, học sinh, giáo viên các nhà trường được cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về cách thức phòng ngừa, ứng phó với những TNTT thường gặp như: Đuối nước, hỏa hoạn, tai nạn giao thông… Các em học sinh cũng được thực hành những kỹ năng cơ bản giúp tự bảo vệ bản thân và thoát hiểm an toàn như: Kỹ năng tự nổi, sơ cứu người bị đuối nước, cứu đuối nước an toàn, thoát nạn trong điều kiện ngạt khói...
Được biết, các trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay đều quan tâm lồng ghép kiến thức về phòng chống TNTT vào các hoạt động học tập, ngoại khóa tuy nhiên nội dung vẫn thiên về lý thuyết, học sinh chưa có điều kiện thực hành các kỹ năng được học nên thường rơi rụng dẫn đến bị động khi gặp tình huống trong thực tế. Thầy Trần Đại, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Châu (huyện Yên Phong) cho biết: “Chương trình truyền thông chuyên đề về vấn đề này rất hữu ích với học sinh bởi cung cấp rất nhiều kiến thức thiết thực, đặc biệt là cơ hội thực hành với sự hướng dẫn của các chuyên gia. Qua chương trình, nhà trường cũng rút được nhiều kinh nghiệm để điều chỉnh phương pháp truyền đạt đến học sinh giúp công tác giáo dục kỹ năng sống sinh động hơn, tạo sự cuốn hút và ghi nhớ sâu hơn với lứa tuổi nhỏ”.
Bên cạnh tăng cường công tác truyền thông, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng các CLB, mô hình tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện các quyền trẻ em, xử lý những tình huống liên quan đến quyền trẻ em... Các bậc phụ huynh cũng ngày càng quan tâm hơn đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho con em mình, đặc biệt là kỹ năng bơi lội. Dù mới vào những ngày đầu hè nhưng khóa học bơi tại các bể bơi đã thu hút đông đảo phụ huynh đến đăng ký cho con em mình theo học. Bên cạnh đó là các khóa học kỹ năng sống mang lại cơ hội cho trẻ em được trải nghiệm thực tế trong các điều kiện môi trường sinh hoạt khác biệt… Tuy nhiên theo ghi nhận, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn thái độ chủ quan, buông lỏng quản lý con em, nhất là trong dịp nghỉ hè trẻ em được nghỉ học trong khi phụ huynh vẫn phải đi làm. Nguy cơ TNTT, đặc biệt là đuối nước vẫn luôn thường trực khi mà môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, chưa thực sự thân thiện, an toàn với trẻ nhỏ.
Bài học thực tế từ các vụ TNTT trẻ em thời gian qua cho thấy lá chắn hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ em chính là những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh các giải pháp tăng cường trông, giám sát trẻ thì các phụ huynh, gia đình cần trang bị cho trẻ hiểu biết về môi trường sống xung quanh, chủ động nhận biết nguy hiểm, phòng tránh, bình tĩnh ứng phó với những tình huống TNTT phù hợp với lứa tuổi... Toàn xã hội cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng những sân chơi bổ ích, an toàn và một môi trường sống lành mạnh cho trẻ em, chăm sóc trẻ bằng tình yêu thương, bảo vệ trẻ bằng trách nhiệm cao nhất. Đó là những hành động thiết thực để bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước khỏi những tai nạn đáng tiếc.
- Bản tin ngày 8-11-2024.mp4
- Kỳ họp thứ 23 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.mp4
- Bản tin ngày 7-11-2024.mp4
- Bản tin ngày 6-11-2024.mp4
- Đoàn cán bộ quản lý báo chí nước CHDCND Lào thăm và làm việc tại Báo Bắc Ninh.mp4
- Bản tin ngày 5-11-2024.mp4
- Bản tin ngày 4-11-2024.mp4
- Điểm tin trong tuần từ ngày 28 - 10 đến 3 - 11
- Dự báo thời tiết đêm 3 và ngày 4-11
- Bản tin ngày 2.11.mp4