Chiêu trò “đồng bộ dữ liệu Căn cước công dân”

06/09/2024 15:20 Số lượt xem: 205
Như thường lệ sau bữa sáng, ông Hùng và ông Bằng - đôi bạn hưu trí ngồi đàm đạo ở bàn trà đầu phố. Nhưng sáng nay ông Bằng ngồi chờ hơn nửa tiếng chưa thấy bóng dáng ông Hùng đâu.

Chắc nhà có việc bận, thôi không chờ nữa. Ông Bằng tự nhủ.
Đang định dọn ấm trà cất vào trong nhà thì ông Hùng đi tới liền nói: Làm gì vội dọn thế, ngồi đây tôi kể cho mà nghe!. Chả là chuẩn bị sang chỗ ông thì có điện thoại gọi xưng danh là cán bộ của BHXH yêu cầu đồng bộ dữ liệu Căn cước công dân (CCCD). Tôi đang định làm theo hướng dẫn thì may quá cháu Huyền quên chìa khóa phòng làm việc nên quay về. Thấy thế nó giằng điện thoại của tôi và bảo: Lừa đảo đấy! Bố tuyệt đối không được làm theo hướng dẫn của chúng. Tôi hốt hoảng, phân bua: Lừa đảo gì mà chúng lại xưng tên tuổi, đơn vị công tác là cơ quan BHXH hẳn hoi?
Bố không biết à, bọn chúng tinh vi, thao túng tâm lý, nếu không cảnh giác là mất hết tiền trong tài khoản ngân hàng đó! Nó dẫn chứng cho tôi nghe: Nhiều người bị mất tiền rồi, như trường hợp anh T ở xã ngoại thành. Tuần trước anh T nhận được cuộc điện thoại yêu cầu cập nhật CCCD vào ứng dụng bằng cách truy cập đường link lạ có đuôi “.govvvn.com” trên thiết bị điện thoại di động và làm theo hướng dẫn. Tại đây, màn hình hiển thị giao diện giống với ứng dụng “VssID-BHXH số” của ngành BHXH Việt Nam. Đối tượng yêu cầu anh T nhập số điện thoại và mật khẩu bất kỳ vào giao diện này. Sau khi nhập các thông tin như hướng dẫn, anh T mất toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình. Ngoài chiêu “gọi điện đồng bộ dữ liệu CCCD”, các đối tượng còn lừa đảo người tham gia BHXH, BHYT bằng việc thông báo được nhận món quà có giá trị lớn của cơ quan BHXH, nhưng phải thanh toán một khoản lệ phí bằng tiền…
Ông Hùng vừa dứt lời, ông Bằng nói với vẻ mặt đầy tự tin: À cái đó mà ông cũng không biết, vấn nạn lừa đảo qua mạng gây thiệt hại khủng kiếp xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực khác nhau từ lâu rồi. Tôi vẫn thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo của các cơ quan chức năng nên rất cảnh giác. Vậy mà ông cứ “đá xoáy” tôi suốt ngày lướt web, nếu không như vậy làm sao tôi lại hiểu chiêu trò của các đối tượng lừa đảo để phòng, tránh.
Ông Bằng còn giải thích cho ông Hùng: Theo Luật Căn cước 2023, từ ngày 1-7-2024, người dân chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu cá nhân. Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng mạo danh là cán bộ BHXH Việt Nam gọi điện, nhắn tin cho người tham gia BHXH, BHYT yêu cầu đồng bộ dữ liệu CCCD, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID-BHXH số, hoặc đề nghị truy cập vào các đường link lạ do người đó cung cấp, nếu không cảnh giác mà làm theo hướng dẫn này là mất tiền.
Đây là việc làm không đúng với quy trình, hướng dẫn, liên hệ công tác của cơ quan BHXH. BHXH tỉnh Bắc Ninh đề nghị các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, các tổ chức dịch vụ thu thông báo đến người lao động, người dân, người khám chữa bệnh BHYT cần cảnh giác trước những hành vi nêu trên. Khi gặp các vấn đề về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, người dân cần liên hệ trực tiếp cơ quan BHXH nơi gần nhất, tra cứu thông tin ở những kênh chính thống hoặc gọi điện tới Tổng đài BHXH tỉnh Bắc Ninh (0222 3822 924) để được hướng dẫn. Khi phát hiện hành vi trên vui lòng báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc cơ quan BHXH để phối hợp xử lý.

Thái Uyên