Cẩn trọng với dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè ở trẻ

08/04/2024 20:05 Số lượt xem: 490
Một trẻ sơ sinh chưa đầy một tháng tuổi mắc Ho gà chưa rõ nguồn lây, số ca mắc Tay - chân - miệng có dấu hiệu gia tăng nhanh, nhiều ca viêm phổi do RSV phải nhập viện điều trị… cảnh báo nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Trong bối cảnh các tỉnh, thành phố phía Bắc và một số địa phương lân cận ghi nhận nhiều ca Ho gà, Sởi, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng dịch, tránh những hệ luỵ sức khoẻ đáng tiếc.

Chị N.T.T ở thị trấn Lim, huyện Tiên Du cho biết: Con trai chị được xuất viện về nhà ngày 3-4 sau 2 tuần điều trị viêm phổi do RSV và Ho gà tại Bệnh viện Nhi T.Ư, kết quả xét nghiệm đã âm tính, hiện con còn ho rất ít. “Trước khi con được chẩn đoán mắc bệnh Ho gà, tôi chưa nghe đến bệnh này bao giờ. Khi có dấu hiệu khởi phát con mới 20 ngày tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc-xin phòng bệnh Ho gà, xung quanh cũng không thấy có ai mắc bệnh tương tự. Tôi thấy bệnh ho gà rất nguy hiểm, vì cơn ho dài khiến trẻ thiếu oxy, có cơn ngừng thở. Trong cùng phòng bệnh với con tôi, có nhiều trẻ bị ho gà, trong đó nhiều trẻ sơ sinh và cùng chung những triệu chứng như: Ho sặc sụa, ho tím đen vùng môi, mũi, tay, chân. Mỗi lần thấy con ho như vậy, tôi rất hoảng”.
Chị T. cho biết thêm, cháu bé sinh ngày 25-2-2024, khoảng 20 ngày tuổi bắt đầu có biểu hiện ho nhưng không sốt, vài ngày sau, khi trẻ ho nhiều hơn, thở khò khè chị có đưa con khám một phòng khám tư thì bác sĩ chẩn đoán viêm phổi và theo dõi bệnh tim. Ngày 20-3, trẻ được gia đình đưa khám, nhập viện tại Bệnh viện Nhi T.Ư với chẩn đoán ban đầu viêm phổi. Kết quả xét nghiệm 2 ngày sau nhập viện, trẻ dương tính với RSV, ngày thứ 3 dương tính với Ho gà. Quá trình nằm viện, trẻ không sốt nhưng ngày thứ 5 bắt đầu xuất hiện ho đỏ mặt và từ ngày thứ 8 thì ho tím tái, có cơn ngừng thở.

 

Trẻ mắc Tay - chân - miệng vào khám và nhập viện tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh tăng cao trong thời gian gần đây.

 

Đây là trường hợp mắc Ho gà đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh trong năm nay. Theo báo cáo giám sát ca bệnh của Trung tâm Y tế huyện Tiên Du, bệnh nhi là con thứ 3, đẻ đủ tháng, đẻ mổ và đã được tiêm các vắc-xin: Viêm gan B, BCG (phòng bệnh Lao); hai anh của trẻ ở cùng nhà sinh năm 2019 và 2021 đều được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng; xung quanh nhà trẻ không thấy có ai bị như trẻ. Cơ quan y tế đã hướng dẫn gia đình vệ sinh nhà, lau khử khuẩn các dụng cụ dùng cho trẻ, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, theo dõi mọi người trong gia đình, đồng thời tuyên truyền trên hệ thống loa của địa phương về bệnh Ho gà và cách phòng chống; theo dõi các cháu xung quanh nhà trẻ nếu có triệu chứng giống trẻ báo ngay trạm y tế để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có nguy cơ lây truyền rất cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học.
Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Cho đến nay, vắc-xin vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh Ho gà. Vì vậy, các gia đình lưu ý đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Tại khoa Bệnh Nhiệt đới - Tiêu hoá Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Ninh số trẻ bị viêm phổi do virus RSV (virus hợp bào hô hấp) và Tay - chân - miệng đang chiếm tỉ lệ cao trong số phải nhập viện điều trị. Từ đầu tháng 3 đã ghi nhận rải rác các ca mắc Tay - chân - miệng và bắt đầu tăng cao số bệnh nhi đến khám, nhập viện từ khoảng một tuần nay. Bác sĩ CKII Phạm Thị Thanh Hương, Trưởng khoa cho biết, bình quân mỗi ngày, có từ 5-10 trẻ mắc Tay- chân- miệng phải nhập viện, cao điểm như ngày 3-4, có gần 40 ca khám các bệnh truyền nhiễm tại khoa, trong đó khoảng 3/4 được chẩn đoán mắc Tay - chân - miệng.
Chị Nguyễn Diệu Linh ở phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh đưa con trai 5 tháng tuổi đến khám do bé bắt đầu xuất hiện những nốt trên tay, chân và anh trai bé vừa khỏi Tay - chân - miệng. “Cảnh giác với các biến chứng của bệnh, tôi đưa con đi khám sớm cho yên tâm” - chị Linh chia sẻ. Còn chị Nguyễn Thị Diễn ở huyện Gia Bình đưa con đến bệnh viện khám để phòng ngừa nguy cơ chuyển biến nặng do trẻ đang điều trị viêm tiểu phế quản thì nổi nhiều nốt ở tay, chân, mông và bắt đầu xuất hiện ở họng. Cả hai trường hợp đều được bác sĩ chẩn đoán mắc Tay - chân - miệng độ 1 và nếu các xét nghiệm cận lâm sàng khác không có vấn đề đáng ngại thì có thể điều trị ngoại trú tại nhà.
Công tác giám sát dịch Tay - chân - miệng trên địa bàn tỉnh trong tuần 14 (từ ngày 28-3 đến ngày 3-4) ghi nhận số ca mắc cao gấp 2,4 lần so với tuần trước đó, luỹ tích 2024 cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ tuần 14 năm 2023.
Ngoài số bệnh nhi Tay - chân - miệng tăng cao, rõ rệt trong thời gian gần đây, số trẻ bị viêm phổi do virus RSV đang nằm viện lên tới 30 ca và thường xuyên có thêm ca mới nhập viện, trong đó một số ca viêm phổi nặng, có 5 ca phải thở máy và thở oxy. Nếu như RSV lây truyền qua đường hô hấp với độ tuổi mắc thường là dưới 2 tuổi, các ca viêm phổi nặng thường gặp hơn ở trẻ dưới 6 tháng, thì Tay - chân - miệng lây qua đường tiêu hoá và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Cả hai bệnh đều chưa có vắc-xin phòng bệnh nên bác sĩ khuyến cáo gia đình có trẻ nhỏ chú ý vấn đề vệ sinh ăn uống, vệ sinh nơi ở, môi trường xung quanh, cả trẻ và người trông trẻ cần vệ sinh tay thường xuyên, khi trẻ có dấu hiệu nghi mắc cần đưa khám sớm, đồng thời cho trẻ nghỉ học nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh, tránh lây lan thành ổ dịch…

Việt Hoa