Buồn vui sau con chữ

20/06/2024 22:13 Số lượt xem: 211
“Mai ta đi đường cầu Bình Than chị nhé. Xa hơn một chút nhưng cầu mới, đường thoáng, không lo chậm giờ họp.” Tiếng cô đồng nghiệp bỗng đánh thức một miền ký ức trong tôi.

Tôi về cơ quan Báo Bắc Ninh công tác ngay sau tái lập tỉnh chưa lâu. Chuyến đi cơ sở đầu tiên là về huyện Gia Lương  cùng đồng nghiệp xác minh đơn thư tố cáo. Tôi được dặn trước phải chuẩn bị sẵn vật dụng cá nhân vì có thể sẽ phải ở lại huyện qua đêm vì tính chất công việc xác minh đơn thư khá phức tạp. Hơn nữa giao thông từ thị xã Bắc Ninh xuống Gia Lương ngày ấy khá khó khăn vì đò giang cách trở.
Tờ mờ sáng chúng tôi đã lên đường nhưng đến bờ sông Đuống cũng vẫn phải đợi chờ khá lâu vì phà vừa rời bến. Xuống đến địa phương, chúng tôi hối hả vào việc ngay với mong muốn xong việc sớm để kịp về thị xã trong ngày. Tiếc thay, công việc xác minh đơn thư cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng và đầy đủ nên mãi đến tối mới xong. Cuối cùng, chúng tôi vẫn phải nghỉ lại tại trụ sở huyện 1 tối, sáng hôm sau mới về thị xã Bắc Ninh.
Tôi vẫn nhớ ngày ấy, khi ngồi trên phà nhìn sang bên cạnh thấy công trường xây dựng cầu Hồ đang tấp nập thi công, thầm nghĩ một ngày không xa nữa nhân dân 2 bên dòng sông Đuống sẽ thông thương thuận lợi, không còn phải cảnh đò giang cách trở, lòng bỗng thấy vui. Báo Bắc Ninh khi ấy liên tục thông tin về tiến độ xây dựng cây cầu từ đổ các mố trụ đến hợp long từng nhịp…rồi đến ngày long trọng khánh thành. Những trang viết ánh lên niềm vui khôn tả về một ngày mai tươi sáng khi bờ Bắc, bờ Nam sông Đuống nối liền như: Cầu Hồ mấy nhịp; Cây cầu nối những bờ vui…
Ngày ấy, cầu Hồ là công trình trọng điểm của tỉnh, là niềm tự hào của người dân Bắc Ninh. Thấm thoắt hơn 20 năm trôi qua, cầu Hồ giờ đây lại “nổi tiếng” theo một phương diện khác, ấy là mức độ ách tắc giao thông. Lượng người và phương tiện lưu thông quá đông đúc đã làm cho mặt cầu xuống cấp, giao thông dễ bị ách tắc vào những giờ cao điểm. Hiện tỉnh đã đầu tư xây dựng cầu Bình Than, cầu Kinh Dương Vương và hệ thống đường giao thông kết nối thuận tiện để san sẻ bớt gánh nặng với cầu Hồ. Thế nhưng vào những giờ cao điểm có nhiều lúc cầu Hồ vẫn gặp cảnh ách tắc giao thông. Thế mới biết, sau hơn 20 năm, lượng người và phương tiện đã tăng lên gấp nhiều lần. Mà cũng đúng thôi, vì sau từng ấy năm, Bắc Ninh từ một tỉnh nông nghiệp, diện tích nhỏ nhất cả nước, đã có bước phát triển ngoạn mục, trở thành tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Báo Bắc Ninh khi ấy có hơn chục cán bộ, phóng viên, biên tập viên, giờ đã phát triển lên gần 80 người. Từ chỗ 1 tuần xuất bản 2 số báo, giờ đã lên đến 5 số báo/tuần rồi thêm báo Hằng tháng, báo Cuối tuần. Từ chỗ chỉ đơn thuần báo giấy nay có thêm báo điện tử cập nhật thường xuyên liên tục. Trong guồng quay hối hả của quy trình làm báo hiện đại, tôi vẫn luôn dành một góc trong tâm trí để nhớ về những ngày xưa cũ. Bản thảo viết trên tờ giấy A4 trắng tinh không dòng kẻ là thử thách khá khó nhằn với người mới. Nhưng nhìn các chú, các anh, các chị nắn nót, gọn gàng tôi thấy phải cố gắng học theo, dần dà rồi cũng được biên tập viên khen “chữ được”. Rồi đến những năm 2000, khi máy vi tính dần trở nên phổ biến, lãnh đạo Báo Bắc Ninh yêu cầu 100% phóng viên sử dụng máy tính để viết tin, bài. Cả cơ quan lại cặm cụi học sử dụng máy vi tính, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết gì. Phó Tổng biên tập Trần Đại Đồng là người say cháy nhất, suốt ngày nhắc nhở chúng tôi phải thành thạo vi tính nếu không sau này sẽ bị lạc hậu. Nhờ vậy, lứa chúng tôi sau này ai cũng khá thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin vào làm báo. Ông cũng là người thường xuyên nhắc nhở, đốc thúc chúng tôi đi học để cập nhật thêm kiến thức với quan điểm “làm báo là phải học”, “học không bao giờ là thừa”. Có lần, tôi bị ông gọi sang phòng mắng vì tội viết tin sai. Tôi bình tĩnh trình bày lại rằng thông tin của mình là đúng. Tưởng rằng sẽ bị ông quát tiếp nhưng ông cười: “Ranh con, dám cãi sếp, mà lại còn cãi đúng mới bực!” Thế nhưng sau đó ông mới nhẹ nhàng giải thích cho tôi rằng dù có viết đúng nhưng người đọc hiểu sai thì hiệu quả thông tin chưa đạt được. Tôi đã hiểu ra mình vẫn nặng về lý thuyết chuyên ngành như đã được học ở trường mà chưa biết làm mềm thông tin để phù hợp với độc giả theo phương châm “viết cho ai?” và “viết để làm gì?”. Đó là một trong những bài học quý giá của nghề phóng viên mà tôi học được từ bậc cha chú trong nghề. Bài học ấy với tôi đến bây giờ vẫn chưa hề cũ.
Hơn 20 năm qua, lớp cha chú của tôi lần lượt nghỉ hưu, có người đã khuất núi. Báo Bắc Ninh đón nhiều lượt sinh viên thực tập đến và đi, nhiều phóng viên trẻ vào cơ quan sau tôi cũng đã trưởng thành. Năm qua, cơ quan có thêm một đồng nghiệp trẻ măng là con cô bạn đồng nghiệp, đồng niên của tôi. Cũng như chúng tôi ngày nào, ngày đầu chưa quen nên “đồng nghiệp cháu” phải vất vả với những ý tưởng, những con chữ. Nhìn cháu, tôi lại nhớ đến mình những ngày mới đến với ngôi nhà chung Báo Bắc Ninh. Vậy là, Báo Bắc Ninh đã chuyển giao qua 3 thế hệ những người làm Báo. Ai rồi cũng vậy, cũng đều phải “đánh vật” với những ý tưởng, những con chữ để làm ra được sản phẩm báo chí. Nỗi buồn khi bị chê, bị phê bình hay niềm vui khi tác phẩm được đón đọc, được khen ngợi đều là hành trang quý báu để người làm báo trưởng thành, mang đến những sản phẩm có ích cho cộng đồng xã hội.

Vân Giang