“Một ngày làm lính cứu hoả”

22/10/2023 20:36 Số lượt xem: 641
Là chương trình trải nghiệm, được Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bắc Ninh phối hợp thực hiện thường niên hằng năm, giúp các em học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCCC, có kỹ năng tự bảo vệ bản thân trong cuộc sống thường ngày.

Hồi hộp, hào hứng là cảm nhận của chúng tôi khi được đồng hành cùng các em học sinh trường trường THCS Tiền An (thành phố Bắc Ninh) tham gia trải nghiệm “Một ngày làm lính cứu hỏa” tại trường. Tham gia chương trình, ngoài nghe phổ biến kiến thức cơ bản về phòng, chống đuối nước, PCCC, kỹ năng xử lý, thoát hiểm khi có cháy xảy ra, các em học sinh còn được lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) chuẩn bị chu đáo từng khu vực trải nghiệm với mô hình chữa cháy, trang thiết bị, phương tiện PCCC và Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, hiện đại. Mỗi tình huống được lực lượng chức năng dàn dựng giống như trong thực tế, đảm bảo để mọi người có thể hình dung rõ và xử lý kịp thời, như: Đám cháy do rò rỉ khí gas; thoát nạn trong môi trường có nhiều khí độc, khói độc; dùng xe thang để thoát nạn…

 

Học sinh trường THCS Tiền An (thành phố Bắc Ninh) trải nghiệm tình huống xử lý đám cháy bình ga bằng bình cứu hoả.

 

Vừa thực hành nội dung dùng bình chữa cháy xách tay để dập tắt đám cháy bằng bình ga, em Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, lớp 6A1, trường THCS Tiền An hồ hởi: “Lần đầu tiên được làm lính cứu hỏa, em rất vui. Buổi trải nghiệm trang bị cho em những kỹ năng mềm về PCCC, biết cách xử lý đám cháy từ bình gas và những kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, độc, tránh gây nguy hiểm cho bản thân. Bên cạnh việc học được những kỹ năng bổ ích cho cuộc sống, chương trình còn giúp em hiểu hơn những vất vả của người lính làm công tác PCCC”.
Cùng bạn bè tham gia trải nghiệm kỹ năng thoát nạn trong môi trường có nhiều khói độc, em Phạm Vũ Thảo Nguyên, lớp 9A1, trường THCS Tiền An chia sẻ: “Những kiến thức này rất bổ ích cho em và các bạn, nhất là khi chúng em ở nhà một mình cũng không bị hoang mang nếu có sự cố. Em được các chú hướng dẫn bịt mũi bằng khăn ẩm để tránh hít phải khói độc, bò thấp người và men theo tường để tìm lối thoát ra ngoài. Trải nghiệm này giúp em có thêm kỹ năng thoát hiểm và nâng cao hơn nữa ý thức phòng cháy. Em mong chương trình sẽ được tổ chức ở nhiều trường học trong tỉnh”.
Theo sát, hỗ trợ các em trong các nội dung của chương trình, Trung úy Nguyễn Hoàng Dương, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh chia sẻ: Tham gia chương trình các em được trải nghiệm tất cả các nội dung, từ những kiến thức cơ bản nhất để xử lý các tình huống bất ngờ trong cuộc sống như khi có cháy, nổ xảy ra đến những kỹ năng thoát nạn… Để bảo đảm an toàn, trước khi tổ chức chương trình, đơn vị lên kế hoạch chi tiết, khảo sát địa điểm để bố trí đủ chỗ học tập, sinh hoạt cho các em, đồng thời xây dựng nội dung trải nghiệm phù hợp. Từng động tác kỹ thuật của các em tham gia trải nghiệm, chúng tôi đều hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ, đúng quy trình, quy định như: Cách sử dụng bình chữa cháy xách tay; rải vòi chữa cháy, ống nước chữa cháy; phun nước tiêu điểm; thoát nạn trong không gian hạn chế; cứu người, di chuyển để thoát nạn trong môi trường có nhiều khói độc, khí độc và di chuyển người bị nạn bằng tay không… Từ đó, giúp các em can đảm, phản ứng tốt hơn khi không may có tình huống cháy, nổ. Chương trình là một trong những hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch số 09 của UBND tỉnh Bắc Ninh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới”.
Có thể thấy, những tình huống cháy, nổ thường xảy đến bất ngờ trong cuộc sống nên việc nắm được những kỹ năng xử lý thông minh, phòng vệ cơ bản để ứng phó khi có nguy hiểm xảy ra là rất cần thiết. Dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, song “Một ngày làm lính cứu hoả” đã giúp các em học sinh có thêm những trải nghiệm thú vị, bổ ích, góp phần trang bị những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lắng nghe, quan sát, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với hoạt động PCCC nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân, gia đình và xã hội…

Trần Thư