Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị rút kinh nghiệm về ứng phó bão số 3

28/09/2024 12:30 Số lượt xem: 183
Ngày 28-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương sơ kết công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Ninh.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Bắc Ninh.

 

Bão số 3 và mưa lớn sau bão kéo dài trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân tại hầu hết khu vực Bắc Bộ. Theo thống kê từ các địa phương, thiệt hại do thiên tai vừa qua làm 344 người chết, mất tích; gần 390.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; gần 12.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 5,7 triệu gia súc, gia cầm chết; gần 800 sự cố đê điều; hơn 280.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái và hơn 110.000 nhà bị ngập. Tổng thiệt hại kinh tế ước gần 82.000 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bắc Ninh, bão số 3 và hoàn lưu bão làm 52 người bị thương, 4.461 công trình nhà ở của nhân dân, 216 điểm trường, 21 cơ sở y tế, 49 công trình văn hóa, 156 công trình trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng, thiệt hại. Về sản xuất nông nghiệp có gần 110.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 4.500 tấn thủy sản thiệt hại; gần 12.000 ha lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa cây cảnh bị hư hỏng, ảnh hưởng năng suất; hơn 100 ha cây lâm nghiệp, rừng bị gẫy đổ; xảy ra 248 sự cố đê điều, công trình thủy lợi; 655 hộ dân (2.749 nhân khẩu) bị ngập úng và nguy cơ cao  phải di dời. Tổng giá trị để khắc phục thiệt hại ước tính hơn 1.600 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tinh thần của nhân dân. Nhiều chính sách của Chính phủ đã, đang được tích cực thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đưa cuộc sống, sản xuất dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, doanh nghiệp, người dân còn rất khó khăn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 6 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trước mắt, tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu (Phú Thọ) và mất tích do lũ quét, sạt lở đất (Lào Cai, Cao Bằng…). Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Rà soát các gia đình bị mất nhà để tái định cư cho người dân đến chỗ an toàn, hoàn thành trước ngày 31-12-2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và hướng dẫn các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể. Theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả hàng hóa trên địa bàn, nhất là tại các khu vực vừa xảy ra lũ quét, sạt lở đất nặng nề, kịp thời bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi. Huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, thuỷ lợi, các tuyến đường giao thông, cơ sở y tế, trường học, công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng... Triển khai hiệu quả các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, các chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay ưu đãi… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật. Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ; kiểm soát chặt chẽ không gian mạng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận. Tiếp nhận, triển khai kịp thời, hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân thông qua MTTQ, sự hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế để góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý 5 kinh nghiệm trong ứng phó mưa, bão, lũ: Cần chủ động dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời; bám sát thực tế, chỉ đạo quyết liệt, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc; đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước lên trên hết để huy động lực lượng tổng lực ứng phó; các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng luôn chủ động trong ứng phó, khắc phục; coi trọng tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó cho người dân.

Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ và có giải pháp căn cơ lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục rà soát thiệt hại, chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, đề xuất tỉnh có chính sách điều chỉnh, bổ sung, hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững.

 

Nguyễn Tuấn- Nguyễn Quân

Y tế