Công nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

08/10/2024 20:33 Số lượt xem: 72
Đến tháng 9 năm nay, các KCN Bắc Ninh thu hút gần 2.100 dự án thứ cấp (FDI gần 1.430 dự án, trong nước hơn 625 dự án) với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt gần 29 triệu USD đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các Khu công nghiệp (KCN) tập trung Bắc Ninh hiện có gần 1.300 dự án hoạt động, tạo ra hơn 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu luôn tăng trưởng cao, ổn định (khoảng 90% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh). Sự phát triển của các KCN là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp; thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

 

Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh kiểm tra sản xuất và nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp.


Hiện nay, Bắc Ninh tập trung thu hút các dự án đầu tư theo hướng có chọn lọc, lựa chọn các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động chất lượng và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chú trọng tiếp cận các thị trường lớn; đổi mới nội dung, hình thức, hướng đến chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến đầu tư. Các KCN Bắc Ninh thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Từ năm 2008 đến nay cơ cấu ngành nghề có sự thay đổi mạnh, hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn điện tử - viễn thông. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các dự án của Samsung, Amkor… có tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Hàn Quốc là quốc gia có số dự án và vốn đầu tư nhiều nhất (611 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,1 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư đăng ký vào các KCN), tiếp theo là Trung Quốc (377 dự án bao gồm cả Đài Loan, Hồng Kông với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,4 tỷ USD), Singapore đứng thứ 3 (91 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,6 tỷ USD). Về đầu tư hạ tầng KCN có 3 dự án FDI và 21 dự án trong nước được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh hơn 2.118 triệu USD.
Là đơn vị tiên phong về sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu, Tập đoàn Amkor được thành lập song song giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Dự án sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C của Amkor có quy mô lớn với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỉ USD, diện tích khoảng 23 ha. Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 530 triệu USD, tập trung vào cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới. Sau gần một năm vận hành thử nghiệm, Công ty đi vào hoạt động chính thức với 1.061 nhân viên, người lao động, trong đó 938 lao động người Việt Nam, 760 học viên được đào tạo trong nước và nước ngoài về bán dẫn ở các cấp bậc khác nhau. Công ty Amkor Technology Việt Nam tại KCN Yên Phong II-C đã đàm phán với 4 khách hàng và xuất khẩu lô hàng đầu tiên. Đây là những thể hiện cho thấy thiện chí, cam kết của Amkor về các mốc thời gian đầu tư, hoạt động nhà máy tại Bắc Ninh đang bước vào giai đoạn mới, phát triển tốt hơn.
Trong hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh 2024, Tập đoàn Amkor cùng 17 doanh nghiệp FDI tiếp tục đặt niềm tin phát triển tại các KCN Bắc Ninh đưa tỷ trọng vốn FDI ngày càng chiếm phần lớn trong thu hút đầu tư vào các KCN, chất lượng các dự án ngày càng nâng cao. Hầu hết các dự án FDI đều thuộc lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ cho các ngành này. Trong đó có dự án của các Tập đoàn lớn, thương hiệu nổi tiếng trong khu vực và thế giới như: Canon, Samsung Electronics, Samsung Display, Hồng Hải Foxconn, ABB, Amkor, Goertek… Các dự án đều sử dụng máy móc, thiết bị thế hệ mới, công nghệ tiên tiến, sản xuất các sản phẩm sạch, không phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường. Vốn đầu tư cho máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất (bao gồm cả chuyển giao công nghệ) của các dự án FDI trong giai đoạn này chiếm trên 60% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy gia tăng hàm lượng giá trị công nghệ trong giá trị của sản phẩm, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu tại các KCN Bắc Ninh.
Kết quả thu hút đầu tư vào các KCN của Bắc Ninh trong 26 năm qua khẳng định môi trường đầu tư thông thoáng, hiện đại; xây dựng được hình ảnh đặc trưng của mỗi KCN, kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh khác, tạo sức mạnh lan tỏa, hình thành KCN chuyên ngành và ngành công nghiệp hỗ trợ. Đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài mà minh chứng sống động nhất là 9 tháng năm nay Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu với 4,3 tỷ USD. Đây là cơ sở quan trọng để Bắc Ninh giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hoàng Mai

Y tế