Điều tốt đẹp sẽ được lan tỏa

13/09/2024 14:21 Số lượt xem: 170
Hết giờ làm, mấy anh chị em văn phòng ngồi tán gẫu, chị Lành khoe: Tối qua em vừa cho thằng con “trận đòn”, nghĩ lại vừa giận mà vừa thương.

Chị Tuyết trong nhóm đáp lại: Các cụ nhà ta thường dạy “thương cho roi cho vọt”, song chúng lớn rồi, em cũng không nên lạm dụng, không tốt cho quá trình phát triển trưởng thành của trẻ. Nhưng có chuyện gì bức xúc mà cô nóng nảy thế?
Chị Lành: Chả là tối qua, vô tình em kiểm tra đồ dùng học tập phát hiện trong cặp sách của con có đến 5 điếu thuốc lá điện tử. Hỏi ra thì con bảo bạn nhờ cầm giúp vì bạn ấy sợ bị bố mẹ kiểm tra. Thế là em bực quá quất cho mấy roi và bắt viết bản kiểm điểm. Mấy cửa hàng thuốc lá điện tử ở cổng trường vừa bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, nhưng không hiểu sao lũ trẻ vẫn tìm cách mua  được.    
Một anh cùng văn phòng chia sẻ: Qua đọc sách báo anh thấy điều đáng lo ngại khi thuốc lá điện tử lại đang là trào lưu mới trong giới trẻ, nhiều công dụng tích cực của nó được các nhà sản xuất quảng cáo, tuy nhiên có đúng như vậy hay không thì còn nhiều uẩn khúc. Đặc biệt thời gian vừa qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng Công an, nhiều vụ việc, vụ án liên quan đến thuốc lá điện tử có chứa ma túy đã bị phanh phui. Song với thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng, kinh doanh thuốc lá điện tử chứa chất gây nghiện trên không gian mạng, phun tẩm, pha trộn với các chất kích thích, thay đổi mẫu mã, tên gọi…nên dự báo còn rất phức tạp.
Theo tổ chức Y tế thế giới hiện có 34 quốc gia, vùng lãnh thổ đã áp dụng chính sách cấm hoàn toàn (sản xuất, nhập khẩu, mua bán) các sản phẩm thuốc lá điện tử. Gần chúng ta nhất là các nước ASEAN cũng đã có 5 nước cấm hoàn toàn. Hoặc Trung Quốc cũng cấm hoàn toàn các sản phẩm có hương liệu, mà thuốc lá điện tử thì hầu hết có hương liệu.
Tại Việt Nam, theo điều tra của tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đã ghi nhận học sinh tại 11 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13 tuổi đến 17 tuổi tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Nhóm từ 13 tuổi đến 15 tuổi tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Do vậy, các cơ quan chuyên môn cũng đang tích cực nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý chặt chẽ đối với thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử.
Chị Lành băn khoăn: Điều em lo lắng là nhiều trẻ vị thành niên khi được hỏi vấn đề liên quan đến thuốc lá điện tử, chúng rất vô tư hồn nhiên trả lời là để khẳng định bản thân và cho rằng thuốc lá điện tử không độc hại như thuốc lá truyền thống.
Chị Tuyết: Trách nhiệm thuộc về cả hai phía là gia đình và các cấp, ngành, cơ quan chức năng liên quan. Như vừa qua một số địa phương đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia và các chất có cồn khác. Đây là điều nên làm và cần hành động hay. Như cậu con trai nhà mình đang là sinh viên năm hai đại học, hôm trước thấy về khoe, lớp chúng con còn lập ra nhóm “Sinh viên không sử dụng chất có cồn” khi tiệc tùng, liên quan được các bạn cùng thầy cô ủng hộ nhiệt tình. Chưa biết hiệu quả đến đâu, song chúng nghĩ được như vậy là đã cho thấy những chiều hướng tích cực rồi.
Những điều tốt đẹp sẽ được lan tỏa, em tin là như vậy. Chăm lo, vun đắp cho thế hệ tương lai, cho con cháu cũng là cho chính mình đấy ạ! Chị Tuyết hy vọng.

Xuân Me

Y tế