Chiến lược cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneve (20-7-1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Theo Hiệp định Geneve, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tạm thời do quân đội Liên hiệp Pháp và ngụy quyền quản lý, hai năm sau sẽ Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Ngày 22-7-1954, từ chiến khu Việt Bắc, sau khi Hội nghị Geneve thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi, kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ra sức củng cố nền hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Trong đó có đoạn: “Để thực hiện hòa bình, bước đầu tiên là quân đội hai bên phải ngừng bắn. Để ngừng bắn, thì cần phải tách quân đội hai bên ra hai vùng khác nhau: tức là điều chỉnh khu vực. Điều chỉnh khu vực là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất nước nhà bằng cách tổng tuyển cử. Điều chỉnh khu vực quyết không phải là chia xẻ đất nước ta, quyết không phải là phân trị”(*).
Trong khi đình chiến, quân đội ta tập trung vào miền Bắc, quân đội Pháp tập trung vào miền Nam, nghĩa là có sự đổi vùng. Một số địa phương trước kia là vùng Pháp chiếm, nay thành vùng giải phóng của ta. Ngược lại, một số vùng giải phóng cũ của ta, nay sẽ là nơi Pháp tạm đóng quân trước khi rút về Pháp. Đó là một việc cần thiết. Nhưng Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”.
Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rằng, việc giữ vững căn cứ địa miền Bắc là điều kiện tiên quyết để tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Miền Bắc sẽ là hậu phương vững chắc, vừa bảo vệ thành quả của cách mạng, vừa là nơi tập trung lực lượng để chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh tiếp theo. Do đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có một quyết định đúng đắn, kịp thời là đưa con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc nhằm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị một lực lượng quan trọng cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo Hiệp định Geneve, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại 3 khu vực: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười và Cà Mau. Thời gian tập kết tại Hàm Tân - Xuyên Mộc là 80 ngày; tại Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười là 100 ngày và tại Cà Mau là 200 ngày.
Tại miền Bắc, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương Đảng lựa chọn là nơi đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam. Địa điểm đầu tiên tập kết là tại cảng Lạch Hới, xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn).
Chỉ trong vòng một tháng, lực lượng tập kết đã hành quân an toàn về các khu vực tập kết theo quy định, trong sự tiễn đưa lưu luyến của nhân dân địa phương. Từ ngày 26-8-1954, các con tàu vận tải bắt đầu đưa những đoàn cán bộ chiến sĩ tập kết của Nam Bộ ra miền Bắc. Ngày 25-9-1954, đoàn chuyển quân đầu tiên ở khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc cập bến Sầm Sơn. Từ ngày 25-9-1954 đến ngày 1-5-1955, nhân dân Sầm Sơn đã đón tiếp 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.992 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc.
Đến cuối tháng 10-1954, toàn bộ lực lượng tập kết ở hai khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc và Cao Lãnh - Đồng Tháp Mười ra đến miền Bắc an toàn. Ngày 8-2-1955, chuyến tàu cuối cùng chuyển quân ở Nam Bộ khu vực Cà Mau ra đến miền Bắc. Đến đây, việc tập kết chuyển quân ở chiến trường Nam Bộ được hoàn tất.
Trong hàng ngũ bộ đội ra tập kết, có các đơn vị đã chiến đấu trong suốt 9 năm ở miền Đông và Tây, ở Đồng Tháp Mười hoặc dọc sông Cửu Long; các chiến sĩ du kích vùng ngoại ô Sài Gòn - Chợ Lớn hay ở ngay trong các đô thị; các đơn vị từng giữ vững các vùng độc lập của miền Nam; những đơn vị thuộc trên 10 dân tộc ở Tây Nguyên; những đơn vị tình nguyện từng chiến thắng trên chiến trường Lào và Campuchia…
Như vậy, nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội và cán bộ đã hoàn thành việc tập kết một cách kỷ luật và nhanh chóng. Trong báo cáo trước Quốc hội khóa I vào năm 1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Với một sự cố gắng rất lớn của quân đội, với sự ủng hộ tích cực và thắm thiết của nhân dân, với sự giúp đỡ anh em của các nước bạn Liên Xô, Ba Lan trong việc vận chuyển, chúng ta đã thực hiện các việc nói trên đúng thời hạn hoặc sớm hơn thời hạn đã định… trên 7 vạn quân ta và một số anh em cán bộ và đồng bào ta ở miền Nam đã an toàn chuyển ra miền Bắc”.
Với tinh thần “đi vinh quang, ở anh dũng”, người đi quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh, củng cố thành trì kiên cố cho cách mạng miền Nam. Người ở lại giữ trọn lời thề son sắt thủy chung, quyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng hẹn ước hai năm đoàn tụ. Khát vọng thống nhất đất nước đã giúp tất cả thêm mạnh mẽ, can trường, dẫu trước mắt là xa nhau và biết bao gian khó còn trùng trùng vây bủa.
Tuy nhiên, trong Hiệp định Genene quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7-1956 nên toàn thể nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc đều tin rằng sau hai năm ra Bắc tập kết sẽ trở về. Nhưng phải chờ đến 21 năm sau, điều này mới trở thành hiện thực..
Quá trình tập kết ra Bắc là một sự kiện quân sự mang tầm chiến lược đối với cả hai miền Nam - Bắc, bởi đây chính là một bước chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài, nhằm tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện này còn mang ý nghĩa sâu sắc, khẳng định truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
(*) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.9, tr.2.
- Bản tin ngày 4-11-2024.mp4
- Điểm tin trong tuần từ ngày 28 - 10 đến 3 - 11
- Dự báo thời tiết đêm 3 và ngày 4-11
- Bản tin ngày 2.11.mp4
- Dự báo thời tiết đêm 2 ngày 3-11
- Gặp mặt tướng lĩnh Quân đội nhân dân..mp4
- Bản tin ngày 1-11.mp4
- Dự báo thời tiết đêm 1 và ngày 2-11
- Bản tin ngày 31.10.mp4
- Dự báo thời tiết đêm 31 và ngày 1-11
- Ttiet.jpeg
- Bản tin ngày 30.10.mp4
- Dự báo thời tiết đêm 30 và ngày 31-10
- Bản tin ngày 29.10.mp4
- Dự báo thời tiết đêm 29 và ngày 30-10