Cội nguồn văn hóa, con người xứ Kinh Bắc

15/09/2024 20:24 Số lượt xem: 561
Lịch sử Việt Nam khẳng định, cùng với Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình, Hà Nội, Kinh Bắc - Bắc Ninh nằm trong địa bàn gốc - quê hương sinh tụ và phát triển đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Trong đường viền chung của lịch sử mấy ngàn năm với hai nội dung cơ bản là dựng nước và giữ nước, mà sự “đi đôi” ấy đã trở thành quy luật phát triển dân tộc, vùng quê của chúng ta đã trải qua mọi thời kỳ lịch sử với những biểu hiện cụ thể, sinh động của cái riêng độc đáo trong cái chung lớn lao của cả nước.

 

Lăng Thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương ở Thuận Thành.


Trải qua thời Đá cũ xa xưa dài dằng dặc với những dấu vết hiếm hoi rải rác ở hang động Tây Bắc, rồi đến thời Đá mới nảy sinh nghề nông với những nét phác thảo Việt cổ vừa trồng lúa vừa đánh bắt cá trên đôi bờ sông Cầu, sông Dâu, sông Đuống cổ. Ở vào đầu thời kỳ Kim khí, người anh hùng văn hóa Lạc Long Quân từ miền biển đi lên miền châu thổ, gặp gỡ phối kết với người nữ anh hùng văn hóa Âu Cơ từ núi non Tản Viên Tam Đảo đi về xuôi, rồi sinh con đẻ cháu, mở đất mở nước, dựng làng dựng xóm, trồng lúa và đánh cá, trồng dâu và chăn tằm, nuôi trâu bò và nuôi gà lợn, đúc đồng và rèn sắt, trừ ngư tinh khi khai thác sông biển, diệt hồ tinh, mộc tinh khi khai thác rừng rậm đầm lầy...
Thế hệ con cháu của cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ ở Kinh Bắc đã hợp thành bộ trong những “bộ” của đất nước Văn Lang - Âu Lạc của các vua Hùng, vua Thục phải lập tức đứng trên tuyến đầu chống xâm lấn và bành trướng phương Bắc. Và người Việt cổ ở xứ Bắc - Kinh Bắc đã hóa thân thành Phù Đổng, vươn dậy thành khổng lồ, diệt giặc Ân ở Vũ Ninh, rồi từ miền trũng Phả Lại trở lại miền cao núi Sóc in dấu chân ngựa Gióng mà hoạch định cương vực thiêng liêng và chủ quyền đất nước Việt Lạc, Việt Âu trong cộng đồng Việt cổ...
Qua huyền thoại và nguồn sử liệu sống động, đặc biệt là kết quả nghiên cứu từ hiện thực khảo cổ học của các nhà khoa học trong và ngoài nước, nổi bật lên một sự thực lịch sử rằng: đất Kinh Bắc cổ và người Kinh Bắc cổ đã góp phần tạo dựng và bảo vệ đất nước, con người Việt cổ, hun đúc nên thiên anh hùng ca Việt cổ, hun đúc nên người anh hùng của huyền thoại và sử thi Việt cổ - Phù Đổng Thiên Vương.
Mười thế kỷ đầu Công nguyên là mười thế kỷ Bắc thuộc và đấu tranh chống Bắc thuộc gay gắt và bền bỉ, cứng cỏi và mềm dẻo, để sau đó đất Việt trời Nam “vạch” lại quỹ đạo riêng độc lập tự chủ. Kinh Bắc trong thời kỳ này, với Luy Lâu và Long Biên đã trở thành trung tâm của sự nghiệp chống xâm lược và chống đồng hóa của phương Bắc, tập trung sức mạnh nội lực để luôn luôn giữ gìn, bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc qua biến thiên lịch sử. Các phong trào giải phóng dân tộc, từ Hai Bà Trưng đến Lý Nam Đế, đều kết thúc trên mảnh đất Luy Lâu, Long Biên thuộc xứ Bắc cổ, giành quyền độc lập tạm thời nhưng khắc sâu vĩnh viễn truyền thống quật cường bất khuất...
Chín thế kỷ tiếp sau mở đầu với Ngô Quyền - Cổ Loa, nhưng đặc biệt với Lý Công Uẩn - Thăng Long, Kinh Bắc đã trở thành một trong tứ trấn (Đông, Nam, Đoài, Bắc) bao quanh trực tiếp kinh thành Thăng Long. Suốt từ thế kỷ X đến XVI, người Kinh Bắc vừa phát triển kinh tế và văn hóa cho một xứ Bắc nổi tiếng phong nhã hào hoa, vừa góp phần dựng xây nền thịnh vượng chung cho cả nước.
Xuất phát từ cách tiếp cận địa - văn hóa đối với không gian văn hóa Kinh Bắc/xứ Bắc, cố giáo sư Trần Quốc Vượng gần như là người đầu tiên phác lộ ra một phần không gian văn hóa của huyền thoại và tín ngưỡng - lễ hội Thánh Gióng nằm trong lòng môi sinh văn hóa Kinh Bắc - Bắc Ninh. Đương thời, giáo sư Trần đã nhận xét khái quát: Kinh Bắc - trong đó chủ yếu là không gian văn hóa các làng thuộc Bắc Ninh hiện nay - là “cái nôi sinh thành người Việt, do sức mạnh nội sinh từ ngàn xưa, từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn trước Công nguyên, giao thoa, tiếp xúc, biến diễn, tác động qua lại với những “cú hích ngoại sinh”, từ Hoa, Ấn, cả ngàn năm sau; đến Lý - gốc văn hiến xứ Bắc đã nở cành xanh ngọn, đơm hoa kết trái thành văn hóa - văn hiến - văn minh - văn vật Đại Việt - Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có cả một nền văn hóa lễ hội của làng, của liên làng và của cả siêu làng vùng Kinh Bắc và của quốc gia dân tộc”.

Thuận Thanh
(Theo Lịch sử Hà Bắc tập 1)

Văn hóa