Phân cấp, trao quyền tạo chủ động, linh hoạt trong quản lý đầu tư công

06/11/2024 20:31 Số lượt xem: 43
Sáng 6-11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật là một bước tiến lớn, bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc nên cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 5 nhóm vấn đề lớn, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đóng góp ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi), các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có tính cấp bách theo tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Để đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khả năng, điều kiện thực hiện, bảo đảm tính giám sát, kiểm soát quyền lực; nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; cần phải được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy trình, thủ tục thực hiện đầu tư dự án công nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án...
Tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, cơ quan soạn thảo dự án Luật sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan để có phương án hiệu quả, tối ưu nhất trong việc phân cấp, phần quyền cho các địa phương quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Buổi chiều, các ĐBQH thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
 Tại phiên thảo luận có 22 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; trong đó, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các luật thuộc dự án Luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh. Tập trung thảo luận các nội dung.
Về Luật Quy hoạch: mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch với các luật chuyên ngành; chi phí cho hoạt động quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn; danh mục dự kiến của các dự án ưu tiên của tỉnh; quy định về điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn; xây dựng quy hoạch tổng thể của quốc gia và từng địa phương…
Về Luật Đầu tư: nghiên cứu chính sách đầu tư theo ngành, lĩnh vực; rà soát các quy định của Luật Đầu tư phù hợp với các luật chuyên ngành; quỹ hỗ trợ đầu tư do địa phương thành lập; bổ sung điều khoản chấm dứt đầu tư; thủ tục đầu tư đặc biệt; thanh tra, kiểm tra, giám sát thủ tục đầu tư đặc biệt…
Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP): hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất; bổ sung ưu tiên các dự án quốc phòng và an ninh; quy mô đầu tư; huy động nguồn lực; hợp đồng BT; mở rộng đối tượng đầu tư; các trường hợp cần bổ sung vốn nhà nước; dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP hiện hành có hiệu lực; cơ chế thanh toán hợp đồng; trình tự, thủ tục đơn phương chấm dứt thời hạn thực hiện hợp đồng; dự án sử dụng vốn đầu tư công; các lĩnh vực đầu tư công; cơ chế thanh toán; quy định chuyển tiếp…
Về Luật Đấu thầu: lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; quy định gói thầu tư vấn đơn giản, cấp bách; bổ sung chỉ định thầu đối với đấu thầu hàng hóa, các gói thầu; hạn mức chỉ định thầu đối với nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư; chỉ định thầu gói thầu liên quan đến định giá tài sản trong vụ án hình sự; quy định về mua sắm trực tiếp; trường hợp giải quyết tranh chấp trong nước; thẩm quyền của chủ đầu tư; quy định mua thuốc để bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện công lập…

Thái Uyên

Trong nước - Quốc tế