Quế Võ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất

23/10/2024 15:39 Số lượt xem: 195
Bên cạnh việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương trên địa bàn thị xã Quế Võ tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích canh tác, từng bước hướng tới một nền nông nghiệp phát triển hiện đại, toàn diện và bền vững.

Máy làm đất nhiều chức năng giúp giải phóng sức lao động trong trồng khoai tây ở Quế Võ.

 

Vụ mùa 2024, gia đình bà Nguyễn Thị Hoàn ở thôn Quế Ổ (xã Chi Lăng) gieo cấy hơn 2 mẫu lúa. Sau khi thu hoạch, bà thường sử dụng rơm làm thức ăn cho bò và trồng khoai tây, rau màu. Những năm trước, không có máy, việc thu gom rơm rạ của gia đình bà khá vất vả và tốn nhiều thời gian, có khi không kịp thu gom hoặc phải bỏ nếu gặp mưa. Tuy nhiên, vụ vừa qua, nhờ có máy cuốn rơm, tất cả số rơm đều được xử lý nhanh chóng, gọn gàng. Bà Hoàn cho biết: “Có máy cuốn, rơm được thu gom, cuốn lại thành từng cuộn tròn giúp vận chuyển, bảo quản dễ dàng, mang lại rất nhiều tiện ích và giảm sức lao động cho người nông dân.”

Xã Chi Lăng hiện có 1 máy cuốn rơm và bước đầu đã giúp bà con nông dân thu gom nhanh chóng rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế tình trạng đốt rơm, làm chai đất ruộng, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đồng ruộng và lãng phí nguồn nguyên liệu để tái sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, khi có máy cuốn rơm nông dân không chỉ giải phóng sức lao động mà còn có thêm thu nhập từ khoản tiền bán rơm với giá từ 140 -160 nghìn đồng/ 1 sào.

Vụ Đông 2024, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Quế Võ triển khai trồng cây khoai tây trên diện tích 25 ha tại khu cánh đồng thôn Thi, thôn Lầy xã Đào Viên. HTX đã thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu làm đất, đánh luống, vén lấp luống khoai sau khi đặt mầm, vun xới, cung cấp nước tưới và phun thuốc phòng trừ sâu hại, cho đến khi thu hoạch. Anh Nguyễn Văn Nam, Chủ nhiệm HTX chia sẻ: “Nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, các thành viên HTX đầu tư máy móc với 3 máy đa năng tự động, chỉ trong một ngày, công suất trồng đạt khoảng 3 ha khoai tây. Với 25 ha trồng khoai tây, nếu áp dụng máy móc ở các khâu, mỗi ngày HTX tiết kiệm được hàng triệu đồng chi phí thuê nhân công”.

 

Máy cuốn rơm được nông dân xã Chi Lăng áp dụng từ vụ mùa năm 2024.

 

Chủ trương cơ giới hóa nông nghiệp được thị xã Quế Võ chọn là một trong hai khâu đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó thị xã tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các HTX, tổ hợp tác, nông hộ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất theo quyết định số 07/2022/NQ- HĐND tỉnh và những chính sách hỗ trợ khác của thị xã. Nhờ vậy, góp phần tăng mạnh số lượng máy móc trên đồng ruộng. Không chỉ có máy làm đất, máy bơm nước, máy gặt mà còn có thêm nhiều loại máy móc tiên tiến được nông dân các địa phương của thị xã áp dụng như: Máy bay bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; hệ thống tưới nước tiết kiệm, tự động, điều khiển từ xa; máy cấy, máy cuộn rơm, máy lên luống, máy gieo hạt.

Qua rà soát, hiện nay toàn thị xã hiện có 600 máy làm đất các loại, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%; đối với thu hoạch, có 500 máy gặt lúa các loại, cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt 99%; 8 thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật; 5 máy cấy nhỏ… góp phần đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong gieo cấy được tăng lên đáng kể. Thực tế cho thấy, việc đưa cơ giới vào đồng ruộng giúp hình thành những cánh đồng quy mô lớn sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, nâng cao lợi nhuận từ 15-20% so với làm thủ công trước đây và giải quyết bài toán thiếu hụt lao động thời vụ ở khu vực nông thôn.  

 Ông Ngô Đăng Bình, Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Thời gian tới, thị xã Quế Võ tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ dân mạnh dạn đầu tư mua sắm các loại máy móc phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương tạo ra các sản phẩm có giá trị mang đặc trưng từng xã, phường. Chú trọng công tác quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, xây dựng cánh đồng lớn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản nhằm thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn; tổ chức cho các công ty sản xuất, cung cấp thiết bị trình diễn ngay trên đồng ruộng giúp nông dân các địa phương tiếp cận những máy móc, thiết bị tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất.

Ngọc Hải

Thương mại - Dịch vụ