Cẩn trọng khi đặt phòng nghỉ du lịch qua mạng xã hội

16/07/2024 10:35 Số lượt xem: 386
Lợi dụng nhu cầu của người dân thuê khách sạn, villa, homestay... tăng cao trong dịp nghỉ hè, nhiều đối tượng đăng bài quảng cáo kèm theo hình ảnh giới thiệu trên nhóm về du lịch và yêu cầu khách chuyển khoản tiền đặt cọc nhằm chiếm đoạt. Đã có không ít người đã bị lừa tiền cọc nhà nghỉ, khách sạn khi đặt trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Trước hiện tượng này, ngành Du lịch, các địa phương đã lên tiếng cảnh báo cũng như đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các đơn vị hoạt động du lịch, dịch vụ hợp pháp.

Các đối tượng lừa đảo thường lấy hình ảnh thật của khách sạn, nhà nghỉ để quảng cáo

 

Đoạn tin nhắn chị Tr trao đổi và chuyển khoản cho nhân viên bán 'tour'  Ảnh: NVCC

Cuối tháng 6 vừa qua, chị Hoàng Thị Trâm (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) tổ chức cho gần 20 công nhân xưởng may gia đình đi thăm quan, nghỉ mát tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An). Để tiết kiệm chi phí, chị Trâm trực tiếp liên hệ, đặt phòng nghỉ qua nền tảng mạng xã hội Zalo. Dù đã khá cẩn thận khi yêu cầu phía nhà nghỉ gọi Video call quang cảnh khu vực phòng nghỉ trước khi chuyển khoản tiền đặt cọc. Tuy nhiên, khi đến nơi, đoàn của chị Trâm lại được đưa đến một nhà nghỉ với cơ sở vật chất xuống cấp hơn rất nhiều so với phương án ban đầu. Do đã chuyển khoản tiền đặt cọc cộng với thời điểm cuối tuần cả khu vực Cửa Lò cơ bản kín phòng nên chị Trâm cùng gần 20 người trong đoàn đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” để hoàn thành đợt nghỉ mát.

Tuy nhiên, trường hợp của chị Trâm vẫn còn may hơn chị Nguyễn Vân Tr (phường Phương Liễu, thị xã Quế Võ). Đầu tháng 7 vừa qua, qua giới thiệu của một Hội, nhóm chuyên về du lịch trên mạng xã hội Facebook, chị Vân Tr đặt phòng nghỉ trên du thuyền tại Khu du lịch Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Khi liên lạc, chị Tr được một người tự xưng là nhân viên của tàu du lịch gọi điện liên hệ đề nghị xác nhận và hướng dẫn chị truy cập trang Web điền các thông tin cần thiết và thanh toán khoảng tiền 2 triệu đồng để giữ chỗ và nhận các ưu đãi khuyến mãi độc quyền. Kiểm tra thông tin về dịch vụ, mọi thứ đều yên tâm, nên chị Tr đã chuyển khoản đặt cọc vào tài khoản của bên dịch vụ. Tuy nhiên, khi gia đình đến thành phố Hạ Long, gọi điện thoại, Zalo, Facebook đều không được, thậm chí người này còn chặn liên lạc.

Khi liên hệ với cơ quan chức năng của thành phố Hạ Long chị Tr mới vỡ lẽ rằng các đối tượng lợi dụng sự chủ quan trong việc bảo mật của du thuyền để xâm nhập, chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản booking.com (trang web đặt phòng khách sạn online), sau đó sử dụng hình thức lừa đảo Phishing (tấn công giả mạo) gửi đường link giả mạo (có đường dẫn https://pay-booking.live/...) với giao diện giống y hệt trang thanh toán của booking.com cho các khách hàng đặt phòng và yêu cầu khách hàng nhập các thông tin cá nhân, mã OTP và chuyển tiền cọc nếu không sẽ bị hủy phòng. Sau đó đối tượng thực hiện giao dịch chuyển tiền đi khỏi tài khoản để chiếm đoạt. Đến khi khách hàng nhận phòng, được khách sạn thông báo là chưa thanh toán thì mới biết mình đã bị lừa.

Đối tượng lừa đảo bị “bóc phốt” trong các hội nhóm trên mạng xã hội

Thông tin từ ngành Du lịch, thời gian gần đây, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách du lịch xảy ra trên không gian các nền tảng mạng xã hội diễn ra với tần suất cao hơn. Các đối tượng lừa đảo đã liên tục đăng tải, chia sẻ các thông tin về đặt phòng khách sạn, ăn uống, nghỉ dưỡng... không có thật hoặc dựa trên những quảng cáo có thật của khách sạn, nhà nghỉ tại các điểm nghỉ mát, các đối tượng thay đổi số điện thoại, tài khoản ngân hàng rồi thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của du khách. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn theo dõi các nội dung thông tin du khách đăng tải, xin chia sẻ trên các nhóm du lịch ở các nền tảng mạng xã hội để đặt phòng lưu trú ở các điểm du lịch, sau đó các đối tượng sẽ mạo danh, liên hệ du khách và thực hiện việc lừa đảo.

Nguyên nhân chính là người dân nhẹ dạ, cả tin, không nắm rõ thông tin về trang web, tài khoản Facebook, thông tin về địa chỉ liên hệ của công ty du lịch, lữ hành trước khi tiến hành giao dịch. Không kiểm tra xem các công ty đã đăng ký hoạt động kinh doanh hay chưa. Khi đặt phòng trực tuyến khách hàng cũng không tìm hiểu kỹ thông tin về số lượng, loại phòng, địa chỉ khách sạn… Hơn nữa, các đối tượng lừa đảo lại thường thay đổi liên tục các phương thức, thủ đoạn như dành nhiều thời gian nghiên cứu, trao đổi và tư vấn nhiệt tình nhằm tạo lòng tin với khách hàng. Tự nhận mình là chủ khách sạn lớn và do khách hàng quá đông trong khi nhân viên tư vấn đang rất bận nên tư vấn trực tiếp và sẵn sàng giảm giá 50%, khuyến mại thêm nhiều phần quà hấp dẫn nếu đặt phòng nghỉ sớm…

Theo bà Nguyễn Thị Len, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và dịch vụ Ngọc Trúc (thành phố Bắc Ninh), để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lừa đảo này người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ; nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân và uy tín. Đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ. Chọn các trang mạng có dấu tích xanh, có uy tín và biết rõ thông tin người bán. Ngoài ra, du khách cần tự bảo vệ mình bằng cách kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, tra cứu trên hệ thống, lấy số điện thoại có đăng ký Zalo gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc. Cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn 30% đến 50% so với giá chung của thị trường. Thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp. Để yên tâm, du khách có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, chứng chỉ hành nghề của các công ty du lịch. Đồng thời cùng chia sẻ rộng rãi thông tin đến người thân, bạn bè có nhu cầu đi du lịch để nâng cao tinh thần cảnh giác cho nhiều người trước thủ đoạn lừa tiền cọc, phòng tránh mất tài sản.

Y.N

Thương mại - Dịch vụ