Thu về nhớ Bác khôn nguôi…

23/09/2024 09:24 Số lượt xem: 212
“Gió vút lên, ngọn cờ trên kỳ đài phơi phới/Gió vút lên, đây bao nguồn sống mới dạt dào/Tôi về đây, lắng nghe vang tiếng gọi/Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao/Tôi về đây, trong nắng nhớ thu nào/Sao vàng mọc, muôn sao vàng tung cánh”… Những ngày này, đi dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió của những ngày mùa Thu tháng 9, ca từ trong bài hát “Ba Đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, phổ thơ Vũ Hoàng Địch lại cứ ngân vang mà rưng rưng nhớ tới Bác Hồ - Người đã hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng, cho dân tộc Việt Nam, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.…

Khi còn nhỏ, tôi hay được bố đưa ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác, từng được nghe ông kể rất nhiều lần về ý nghĩa của ngày Quốc khánh 2-9, ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Lớn lên, tôi mới hiểu, trong tiềm thức của mỗi người dân đất Việt, ngày Quốc khánh 2-9 luôn mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt...
Cứ nhìn vào những đôi mắt long lanh, những nụ cười tươi rói của các anh, các chị công nhân hay các cụ già, em thơ mới thấy hết giá trị của tự do, độc lập, hòa bình không gì sánh nổi mà lời hiệu triệu của Bác Hồ vẫn còn vọng mãi ngàn năm. Dù đã được xem, được nghe không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào cũng vậy, nhìn thấy hình ảnh của Bác Hồ đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập với chất giọng ấm áp “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!” tôi đều rưng rưng xúc động.
Trong tiết trời mùa thu đầy nắng, được ngắm nhìn bao thế hệ măng non vai mang khăn quàng đỏ tới trường, những tòa nhà hiện đại vươn giữa trời xanh, những vùng nông thôn mới kiểu mẫu… mới thấy ý nghĩa sâu xa của hai từ “Độc lập”. Để có bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước đồng bào quốc dân và nhân dân thế giới ngày 2-9-1945, Người đã quyết tâm rời gia đình, quê hương, đất nước bôn ba khắp bốn biển năm châu để tìm cho được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Dù phải làm những công việc hết sức cực nhọc, nhưng Người vẫn kiên trì, vượt khó vươn lên vì mục tiêu: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn nghĩ cho dân, cho nước. Cụ thể, đối với Đảng, Bác luôn trăn trở sẽ phải làm thế nào; đối với cán bộ, đảng viên phải ra sao; đối với quần chúng nhân dân cần phải như thế nào… Ở từng lĩnh vực công việc, Bác đều có sự quan tâm, nhắc nhở và có những lời căn dặn thiết thực, cụ thể. Mỗi lời dạy, mỗi bài học mà Người để lại đều là vốn quý để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nỗ lực, phấn đấu học tập, rèn luyện suốt đời.

 

“Xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh giàu có” như di nguyện của Bác Hồ.


Đối với Bắc Ninh, sinh thời Bác luôn dành những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, điều này được thể hiện qua 18 lần Người về thăm. Trong những lần về thăm, Người nhắc nhở, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh: Cán bộ các cấp phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và lề lối làm việc, phải gương mẫu, mạnh dạn cải tiến kỹ thuật. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phải đoàn kết, thi đua xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh giàu có… Khắc ghi lời dạy của Người, Ðảng bộ và nhân dân Bắc Ninh luôn giữ gìn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, nhất là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phúc lợi cho nhân dân, bảo đảm mọi người đều được hưởng những thành quả của sự phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tôi còn nhớ trong chuyến thăm, chúc Tết Đảng bộ và Nhân dân Bắc Ninh đầu Xuân Nhâm Dần -2022, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phấn khởi chia sẻ rằng, mỗi lần đến Bắc Ninh, lại thấy một Bắc Ninh đổi thay không ngừng. Từ đổi mới trong xây dựng Đảng đến đổi mới trong phát triển kinh tế; cải cách hành chính; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông; thu hút đầu tư…. Tổng Bí thư cho rằng, trong mọi thời kỳ lịch sử, vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh đã sản sinh ra những anh tài nhân kiệt, được lịch sử dân tộc ghi danh, là hình ảnh rất rõ nét đại diện cho đặc trưng sĩ phu Bắc Hà về học vấn - nhân cách - khí tiết. “Chính vì lẽ đó, tôi rất mong quê hương Bắc Ninh chúng ta tiếp tục phát huy sao cho mỗi khi nhắc đến Bắc Ninh là nhắc đến một vùng quê giàu đẹp, văn minh, thanh lịch; người Bắc Ninh hào hoa, tài giỏi, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc của “người Kinh Bắc”. Cán bộ, đảng viên càng phải hết lòng, hết sức tận tâm, tận lực vì nước, vì dân”.
Mùa thu lại về, trong hơi thu man mác, trong ngày Tết Độc lập, cả dân tộc Việt Nam lại rưng rưng nhớ thương Bác. Dù Người đã đi xa hơn một nửa thế kỷ nhưng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn tỏa sáng, soi đường cho cả dân tộc đi theo. Hôm nay, trong không khí ấm áp, thiêng liêng của ngày Tết Độc lập, nhà nhà, người người trên khắp mọi miền đất nước tổ chức các hoạt động chào mừng ngày lễ trong không khí vui tươi, phấn khởi nhưng không quên tưởng nhớ đến công ơn to lớn của Bác Hồ, nhớ đến những lời Bác dạy và thực hiện những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ghi nhớ công ơn của Bác, mỗi chúng ta càng nỗ lực, ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

Ghi chép của Đỗ Xuân