“Em mặc yếm thắm, em thắt lụa hồng”...

26/03/2024 16:02 Số lượt xem: 988
Ẩn chứa trong trang phục truyền thống độc đáo ấy là nét đẹp của làng quê mộc mạc thanh bình. Trang phục Quan họ Bắc Ninh mà các liền anh liền chị mặc trên mình khi hát lên bao làn điệu mượt mà đằm thắm, làm nên một giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân gian được thẩm thấu, bảo tồn và phát triển không ngừng theo dòng chảy thời gian.


Mỗi độ xuân về, những tà áo quan họ càng điểm tô cho bức tranh đất và người Kinh Bắc càng tỏa sáng rạng rỡ. Kìa chiếc áo the đen, the xanh của liền anh toát lên hào khí của người trai đất Việt. Khi khoan thai nho nhã như hình ảnh các sĩ tử miệt mài bên bút, nghiên, giấy, mực mà thi khoa cử đỗ tú tài bằng trí tuệ và phẩm hạnh đáng quý. Chiếc áo the phẳng phiu mượt mà bên lưng dài vai rộng, ngời ngời đĩnh đạc phong thái của người trai… Chẳng cần “đao to búa lớn” sửa soạn hay bày biện ra mà sự điềm tĩnh, ngay thẳng và tri thức đã làm nên một đấng nam nhi: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Đấng trượng phu ấy là người ông hiền như Bụt luôn sẵn cả kho chuyện hay bài học nhân văn truyền lại cho cháu con, là người chồng, người cha chèo lái cả chiếc thuyền vượt qua đầu sóng dữ, là người con thấm nhuần đạo hiếu và hai tay gây dựng cơ đồ. Thật quý lắm, thương lắm những lát cắt ruộng đồng, bờ bãi mênh mông mà gom về những vân tình, vân nghĩa bao la. Bên bàn nước, bàn trà có những giọt mồ hôi trên trán người vẫn vương rơi lấm tấm. Một chén rượu nhỏ cay, một ngụm trà say cho lòng ai ấm lại, cho mắt môi bừng nở một dáng cười. Nụ cười của liền anh quan họ đẹp như một dòng sông lấp lánh chảy trôi sau làn áo gấm, áo the tinh tế. Chiếc khăn xếp đội đầu có 5 vòng quấn lên nhau chặt chẽ tượng trưng cho năm điều Nhân-Nghĩa- Lễ-Trí-Tín như một sự ghi tạc trong tâm khảm của người quân tử.
Nếu chiếc áo của liền anh Quan họ tôn lên sự chính trực hào sảng của đấng nam nhi thì áo của liền chị lại mềm mại thướt tha trong kín đáo. Dường như bao nét đẹp truyền thống của người phụ nữ được hiện ra thanh thoát yêu kiều. Này chiếc yếm hồng như cánh hoa sen, hoa đào e ấp giữa đồng quê mà ôm trọn lấy chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần, những loài hoa mọc lên từ bùn lầy, đất nâu mà nét trang đài cứ ngời lên rạng rỡ. Có phải tạo hoá đã ban tặng cho người phụ nữ miền Kinh Bắc nói riêng hay phụ nữ trên quê hương Việt Nam nói chung một vẻ đẹp có từ trong trứng nước, được gói ghém, gìn giữ và nằm trong sâu thẳm. Từng lớp áo mặc lên người liền chị càng tôn lên đường nét “thắt đáy lưng ong”, mặn mà, đằm thắm. Chiếc áo the đen mỏng mềm ngoài cùng kết hợp với áo cánh hồng ở giữa tạo nên một màu nâu cánh gián thật sự tinh tế, uyển chuyển theo dáng hình yểu điệu thục nữ bên những làn điệu ngọt ngào để rồi ai bảo “Em là con gái Bắc Ninh/Tay nâng vành nón mái đình nghiêng theo”. Vẻ đẹp ôn nhu dịu hiền như nàng tiên, cô Tấm..
Câu thơ của Hoàng Cầm đẹp như lời cổ tích: “Những cô hàng xén răng đen/Cười như mùa thu toả nắng” hay lời Lưu Trọng Lư tả về người mẹ thảo hiền với “Nét cười đen nhánh sau tay áo” đều là những cảm nhận chân thực, xúc động về vẻ đẹp trong tảo tần của người phụ nữ Việt từ xưa. Và hôm nay, nụ cười ấy vẫn e ấp dịu dàng mà bừng sáng một khuôn trăng ngọc ngà dưới vòng mấn nhung và chiếc khăn mỏ quạ duyên dáng. Chi tiết lá lật màu xanh nơi mặt trước thân áo là sự sáng tạo làm tối giản đi một lớp áo cánh mặc trong nhưng nhấn nhá nổi bật yêu kiều. Màu xanh lá mạ kề bên màu nâu cánh gián như lộc, như chồi xanh mùa xuân ươm từ đồng đất quê hương. Chiếc bao lưng thắt khẽ như dây lạt mềm buộc chặt khéo léo, như nét hiền thục của người đàn bà giữ lửa cho hạnh phúc gia đình…  “Em mặc yếm thắm/Em thắt lụa hồng/Em đi trảy hội non sông/Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”. Câu thơ của Hoàng Cầm đang trảy hội cùng mùa xuân trên quê hương Quan họ, những tà áo lúng liếng trong gió, trong nắng xuân trong ngần, trong mắt ai thầm thương, khẽ nhớ… Chiếc áo mớ bảy, chiếc áo mớ ba, chẳng phải gấm vóc lụa là mà nét chân quê cứ thanh tân óng ả. Những người phụ nữ sinh ra từ miền quê Kinh Bắc vốn hay lam, hay làm, chịu thương chịu khó như tằm rút ruột nhả tơ, như lúa chín khiêm nhường, như miếng trầu cánh phượng mềm môi thắm đỏ, càng tỏ càng say… làm hay bốn chữ “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” của phụ nữ trên thế gian này mãi được giữ gìn thiêng liêng đẹp đẽ.
Khi liền anh, liền chị Quan họ sánh đôi bên nhau cùng cất lên những làn điệu trữ tình, không gian như lắng lại, trời chăm chú xanh cao, đất nâu say sưa tự hào để rồi lời ca tiếng hát ấy cứ vang, rền, nền, nảy khắp chốn. Mùa xuân và câu hát đan bện vào nhau, làng quê giản dị mà nhã nhặn sắc màu làm xuyến xao bao người đi, ở. Nét bình dị, khiêm nhường của người dân Kinh Bắc từ lời, ăn, nết, ở đã trở thành nền tảng để bao thế hệ nơi này trở nên tài đức vẹn toàn và thành công trong sự nghiệp mà bắt đầu từ những điều vô giá ấy.
 Giữa thời buổi hiện đại, có biết bao luồng văn hoá cách tân, độc lạ xen kẽ và phổ biến vào cuộc sống nhưng những giá trị thuộc về văn hoá dân gian sâu sắc về nguồn cội dân tộc vẫn luôn là điểm sáng bền bỉ. Lòng tôi dấy lên một niềm hân hoan phấn khởi vô cùng khi đi giữa mùa xuân trên quê hương Bắc Ninh giàu đẹp. Những lễ hội đền chùa, làng xã nhộn nhịp cờ hoa. Người người xúng xính áo khăn, lắng nghe câu hát Quan họ quê mình như chính nét đẹp cộng đồng nồng ấm, khăng khít.

Mộc Nhiên