Xưởng sản xuất gốm giữa lòng thành phố

28/10/2024 09:49 Số lượt xem: 219
Đam mê và sáng tạo trong nghề gốm thủ công, chàng trai Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1989 khu Ngô Khê, phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) đã sáng tạo một thứ men gốm “rất dân tộc, rất hồn quê” cho ra đời những sản phẩm gốm nghệ thuật độc đáo, được thị trường trong nước ưa chuộng.


Nguyễn Văn Hải giới thiệu sản phẩm bình hoa gốm “Tuổi thơ ơi”.

 

Nghề chọn người

Trong căn phòng trưng bày rộng hơn 100m2 có tới hàng nghìn tác phẩm gốm sứ nghệ thuật được Hải bài trí bắt mắt. Điều ấn tượng đối với nhiều du khách, khách hàng khi đến tham quan, mua sắm ở cơ sở gốm Hải là các tác phẩm gốm được anh làm hoàn toàn thủ công nên mang hình dáng, mẫu mã “độc nhất vô nhị”.
Anh đến với nghề gốm không phải từ nghề gia truyền và không hề có dự định trước, nhưng khi thi đỗ khoa Mỹ thuật truyền thống trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp cơ duyên lại được phân học chuyên ngành gốm. Khi bước chân vào xưởng gốm tại trường, qua sự gặp gỡ với các thầy dạy chuyên ngành, sự nhẹ nhàng nhưng đầy nghiêm túc và truyền động lực từ những người thầy, đã thay đổi cách nhìn của anh về nghề gốm. Ban đầu không hiểu rõ, nhưng càng tiếp xúc làm việc thì sự cuốn hút của nghề nhanh chóng chiếm trọn trái tim chàng trai trẻ. Việc học tập và sáng tạo trong lĩnh vực mới mẻ này khiến anh thấy yêu và quyết tâm theo nghề.
Hải bày tỏ: “Sinh ra và lớn lên ở quê, những năm tháng tuổi thơ gắn bó với con gà, con lợn, con trâu… những vật nuôi gần gũi giúp mình có cảm hứng sáng tác bộ sản phẩm 12 con giáp”. Một cục đất sét nhưng qua bàn tay người nghệ sĩ, nghệ nhân tạo nên một hình thù gì đó. Đất nuôi dưỡng con người, đất tạo hình nên vạn vật sống trên đất. Bởi vậy, những bộ sản phẩm như gia đình trâu, gia đình hổ và gia đình mèo không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là những câu chuyện về sự đoàn kết, gắn bó. Để có những tác phẩm về loài vật phải nghiên cứu đặc điểm của mỗi loài, khai thác tinh thần với góc nhìn đa chiều để tạo nên một sản phẩm mới, có sự lan tỏa năng lượng tích cực. Trong nghề gốm, khâu sản xuất và các công đoạn làm việc đều hết sức quan trọng từ tuyển chọn nguyên liệu, men màu đến kỹ thuật người làm và dòng sản phẩm. Hải chia sẻ: “Mỗi khâu trong quá trình sản xuất đều quan trọng và mỗi công đoạn đều có cái khó, nên mỗi khi một dòng sản phẩm mới sắp ra mắt, đội ngũ phải kiểm tra rất nhiều trước khi áp dụng và đưa vào quy trình sản xuất. Để xem có phù hợp giữa màu sắc dòng men và hình dáng sản phẩm. Mọi yếu tố đều cần được chú tâm để bảo đảm chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm”. Hiện nay, sản phẩm gốm của Hải đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó nổi bật tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng và một số tỉnh khu vực Tây Nam bộ.

Hành trình sản phẩm gốm qua lò nung mini bằng điện

Trong gần 4 năm qua, Hải luôn suy nghĩ làm thế nào để mọi người có thể dễ dàng trải nghiệm nghệ thuật làm gốm ngay tại nhà, mà không cần phải đến những làng nghề hay cơ sở sản xuất gốm truyền thống. Ý tưởng đột phá của anh là áp dụng công nghệ lò điện vào quy trình nung đốt, an toàn và giảm thiểu rủi ro, giảm tối đa việc gây ô nhiễm môi trường. Trước đây, khi sử dụng lò gas truyền thống, anh thường phải thức đêm để canh lò, song vẫn gặp nhiều vấn đề trong quá trình sản xuất, do đó anh mày mò nghiên cứu, nung đốt và sản xuất bằng lò điện. 
Bước đầu anh gặp không ít khó khăn khi sản phẩm bị cong, vênh, nhưng thất bại rút ra bài học kinh nghiệm, những lò sau lại tiếp tục cải thiện, nâng cao sự tối ưu trong bộ điều khiển lò nung, và rồi những kết quả mang lại ngày một tốt hơn, cải thiện được hiệu suất và quy trình, mọi vấn đề đều được giải quyết một cách hiệu quả.
Qua thời gian sử dụng quy trình nung điện, nhận thấy hiệu quả vận hành nung đốt tự động, anh phát triển thêm dòng lò nung 220V, dành cho các nghệ sĩ trẻ sáng tác tại nhà giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, an toàn cho người vận hành. Từ tháng 10-2022, Hải chính thức xuất bán những lò gốm điện mini, nhận về phản hồi tích cực từ khách hàng và tạo ra những sản phẩm đẹp mắt đầy sáng tạo. Đây là nguồn khích lệ lớn, giúp anh tự tin mở rộng quy trình chia sẻ và giải đáp vấn đề kĩ thuật trong quá trình làm và sáng tác gốm tại nhà, những lỗi sản phẩm mà các khách hàng thường gặp phải. Ngoài việc cung cấp sản phẩm và công nghệ, anh còn tạo điều kiện cho những bạn trẻ có ước mơ nghệ thuật tham gia học nghề và trải nghiệm thực tế. Phía sau những lò gốm điện là những sản phẩm nghệ thuật và hành trình xây dựng cộng đồng làm gốm thủ công cho những bạn trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết, giúp một phần nhỏ trong việc nâng tầm và khám phá thêm nhiều tài năng mới cho gốm Việt Nam. Anh chia sẻ: “Những năm gần đây tôi nhận thấy có rất nhiều bạn muốn trải nghiệm và hứng thú tìm hiểu về nghệ thuật làm gốm thủ công, nhưng lo lắng không biết bắt đầu từ đâu, đi học thì lâu và không có điều kiện, bởi nghề gốm là một thử thách khó và còn thiếu rất nhiều phương tiện hỗ trợ làm nghề như: Lò nung, bàn xoay, đất sét men màu, và những dụng cụ làm gốm”. Để thay đổi cách nhìn về nghề mang đến một góc nhìn mới, bằng những phương tiện mới giúp cho việc phát triển và sáng tác gốm tại nhà trở nên đơn giản, bất kì ai cũng có thể tiếp cận “chơi đất” một cách dễ dàng nhất, bằng kinh nghiệm thực tế 15 năm làm nghề anh Hải phát triển và mang đến giải pháp mới - Lò nung Công nghệ bằng điện 220V tại nhà. Cùng với việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình anh đã giúp hàng trăm bạn trẻ có đam mê với gốm trên khắp các tỉnh, thành hiểu và theo đuổi đam mê. Hiện tại, mỗi năm Hải sản xuất, tiêu thụ từ 20-40 lò gốm nung điện đi khắp cả nước. Ngoài đem lại doanh thu cho cá nhân, cơ sở sản xuất của Hải tạo việc làm cho 4-5 công nhân sản xuất gốm, lò điện với thu nhập 8-12 triệu đồng/người/tháng.
Là người tiên phong trong việc kết nối cộng đồng với nghệ thuật gốm thông qua sự sáng tạo và chia sẻ, tin rằng những nỗ lực của anh không chỉ làm phong phú thêm không gian nghệ thuật gốm tại Việt Nam mà còn là động lực lớn cho những người trẻ đam mê nghệ thuật theo đuổi ước mơ của mình.

Trung Nguyên - Hà Linh

Nông nghiệp