Tiếp thêm động lực cho người khuyết tật

06/12/2023 20:07 Số lượt xem: 517
Với sự tham mưu tích cực của ngành LĐ-TB&XH, tỉnh ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách quan tâm đặc biệt với người khuyết tật (NKT), góp phần tiếp thêm động lực để họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Đối với NKT vận động, xe lăn được ví như đôi chân thay thế giúp họ thuận tiện trong di chuyển, sinh hoạt. 14 năm qua, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với công ty Samsung Việt Nam trao tặng hơn 2.000 xe lăn cho NKT tại các địa phương trong tỉnh. Bà Nguyễn Thị Nhân, thôn Đình Tổ (xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành) bị khuyết tật vận động, đi lại khó khăn. Được nhận xe lăn xúc động chia sẻ: “Khi nhận xe lăn, tôi được cán bộ Phòng LĐ-TB&XH thị xã hỗ trợ lắp ráp và hướng dẫn cách sử dụng an toàn. Mọi sinh hoạt trong cuộc sống của tôi trở nên dễ dàng, thuận tiện, giảm bớt gánh nặng cho người thân. Tôi rất cảm ơn tỉnh và các nhà tài trợ đã quan tâm, giúp đỡ tôi”.
Bên cạnh hoạt động trao tặng xe lăn, Sở LĐ-TB&XH cùng các cấp ngành, địa phương thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Từ năm 2021 - 2023, thông qua Trung tâm Dạy nghề và phục hồi chức năng cho người tàn tật tỉnh có hơn 1.500 NKT được học nghề, chủ yếu là nghề may công nghiệp, mây tre đan, xoa bóp bấm huyệt... phù hợp với dạng tật, tình trạng sức khỏe. Tỉnh ban hành nhiều chính sách đặc thù về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chăm lo trợ giúp xã hội, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng… góp phần nâng cao đời sống cho NKT.
Mới đây nhất, HĐND tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND về việc Quy định chính sách hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo, người cao tuổi và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, NKT nặng, NKT đặc biệt nặng được hỗ trợ thêm bằng tiền mặt với  khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng và khu vực thành thị là 2.000.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này bảo đảm kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với NKT không còn khả năng lao động bằng với mức thu nhập chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 do Chính phủ quy định.

 

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Công ty Samsung Việt Nam trao tặng xe lăn cho NKT hoàn cảnh khó khăn.


Ông Chu Đăng Khoa, Trưởng phòng Bảo trợ, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “toàn tỉnh hiện có hơn 40 nghìn NKT, trong đó gần 20 nghìn NKT nặng và đặc biệt nặng được trợ cấp hàng tháng. Thời gian qua, các chính sách, hoạt động trợ giúp NKT có sự thay đổi căn bản, chuyển dần từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo, từ thiện sang tạo động lực để cho NKT vươn lên. Nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo giúp đỡ NKT được Sở phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức thường xuyên như: Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; cấp thẻ BHYT; tặng xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình, dạy nghề miễn phí; trẻ khuyết tật được hỗ trợ khám sàng lọc, tài trợ kinh phí phẫu thuật tim, sứt môi, hở hàm ếch…”
Để giúp NKT hòa nhập đời sống xã hội và cộng đồng dân cư nơi sinh sống, Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, các địa phương phổ biến chính sách, pháp luật, tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác xã hội; trang bị kiến thức, hỗ trợ NKT nắm bắt thông tin, chính sách, pháp luật để tự bảo vệ các quyền của mình trong việc tham gia vào các hoạt động chung của xã hội. Tích cực vận động sự chung tay, giúp đỡ của các nguồn lực xã hội chăm lo vật chất, tinh thần nhằm thực hiện các quyền chính đáng của NKT.
Năm 2023, Hội vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp bằng tiền và hiện vật tổng trị giá hơn 650 triệu đồng để thực hiện các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho NKT hoàn cảnh khó khăn; tặng 20 xe đạp, 25 suất học bổng cho học sinh là NKT, trẻ mồ côi; trao tặng hơn 1.300 suất quà Tết cho NKT các địa phương; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện khám sàng lọc bệnh tim bẩm cho gần hơn 100 trẻ em; phối hợp với các cơ sở dạy nghề tuyển mới và dạy nghề cho 169 NKT…
Ông Ngô Bá Tiến, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi tỉnh đánh giá: “Hiện nay, công tác NKT được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, trọng tâm là Luật NKT. NKT được tạo điều kiện tiếp cận các chính sách chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, tham gia các  hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại... Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ NKT góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách đối với NKT; phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần của NKT được cải thiện đáng kể. Họ có thêm những cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống…”
 Tuy nhiên, vẫn còn nhiều NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sống phụ thuộc vào sự trợ giúp của gia đình và xã hội. Nhiều NKT còn tự ti, gặp khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sinh kế, nguồn vốn hỗ trợ, thiếu thông tin về cơ hội việc làm… Cùng với các chính sách chung của Nhà nước, của tỉnh, rất cần thêm sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để tạo thêm điều kiện giúp NKT hòa nhập cộng đồng. Đó chính là động lực để NKT không ngừng cố gắng vượt lên chính mình, vươn lên làm chủ cuộc sống, đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội.

Hoài Phương

Nhịp cầu nhân ái