Làng nghề gốm Phù Lãng đỏ lửa dịp cuối năm

16/01/2024 08:55 Số lượt xem: 932
Cuối năm, nhiều làng nghề truyền thống đang hối hả, tất bật chạy đua cùng thời gian để đưa các sản phẩm đặc trưng phục vụ thị trường Tết. Làng nghề gốm Phù Lãng, xã Phù Lãng (thị xã Quế Võ) cũng không ngoại lệ, đây chính là thời điểm tiêu thụ sản phẩm lớn nhất trong năm. Những mẻ gốm thay nhau được đốt lên như mang theo cả niềm tin và hy vọng về một năm mới bội thu và năng suất.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh, chủ cơ sở gốm Đức Thịnh cho biết: “Trước đây 1 tháng cơ sở chỉ đốt lò 1 lần, thế nhưng 3 tháng cuối năm để phục vụ nhu cầu hàng Tết, số lần đốt lò tăng lên gấp đôi với hàng nghìn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi tháng. Trong đó, các sản phẩm như lọ lục bình, chậu cảnh... được nhiều nhà vườn đặt mua với số lượng lớn từ nhiều tháng trước phục vụ các chậu cây cảnh trưng Tết. Ngoài ra, nhiều khách hàng ưa thích đặt các sản phẩm tranh gốm với chủ đề: Sum họp gia đình, vinh quy bái tổ, đồng quê…”

 

Các nghệ nhân làng gốm Phù Lãng đang học kỹ thuật làm gốm hiện đại từ các chuyên gia Nhật Bản.

 

Tại cơ sở Gốm Tâm (xã Phù Lãng), không khí làm việc cũng rất nhộn nhịp, khẩn trường. Vừa bao giao một lô hàng cho khách, anh Nguyễn Thành Tâm, chủ cơ sở phấn khởi cho biết: “Những năm gần đây, cùng với các chương trình quảng bá sản phẩm của địa phương, các cơ sở sản xuất, gốm Phù Lãng ngày càng được nhiều người dân biết đến và được ưa chuộng bởi màu sắc, tính thẩm mỹ và độ bền. Tất cả các sản phẩm đều được làm thủ công nên mất khá nhiều thời gian, tôi cùng các anh em thợ đều phải làm việc hết công suất không kể ngày đêm, để kịp hoàn thiện các sản phẩm bàn giao cho khách hàng và các tiểu thương trong và ngoài tỉnh. Mặc dù có phần vất vả hơn, nhưng ai cũng vui vẻ khi sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường và khách hàng yêu thích”.

Quanh làng gốm, trước mắt chúng tôi là hàng nghìn sản phẩm gốm đã hoàn thiện, đang được phơi khô trước khi cho vào nung ở nhiệt độ cao để cho ra thành phẩm cuối cùng. Những người thợ thủ công của làng nghề mỗi người một việc, người làm đất, người tạo hình sản phẩm, người canh lò nung gốm luôn rực lửa, người hoàn thiện những khâu cuối cho sản phẩm... Những chiếc xe ô tô, xe tải chở hàng ra vào nườm nượp. Anh Lê Thanh Tùng, một thương lái cho biết: “Để phục vụ nhu cầu khách hàng đón Tết, tôi đã đặt hàng tại các xưởng sản xuất gốm cách đây khoảng 2-3 tháng với các sản phẩm như: Chậu cảnh, lọ hoa, tranh gốm… các sản phẩm sau khi thu mua tôi sẽ đem đi tiêu thụ tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận”.

 

Những sản phẩm gốm Phù Lãng ngày càng đa dạng mẫu mã, được nhiều người lựa chọn.

 

Gốm Phù Lãng có đặc trưng màu men da lươn và được chế tác hoàn toàn thủ công. Trên các sản phẩm gốm đa phần sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, mộc mạc, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa nên gốm Phù Lãng luôn có sức hút và được khách hàng đánh giá cao. Bên cạnh vừa duy trì các mặt hàng truyền thống, các nghệ nhân và người dân làng nghề đã sáng tạo các mặt hàng gốm mỹ nghệ, trang trí và các sản phẩm có hoa văn tinh tế để bắt nhịp với xu thế thị trường. Ông Vũ Văn Vận, Chủ tịch UBND xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ cho biết thêm: Hiện nay, làng nghề gốm Phù Lãng có khoảng hơn 200 hộ sản xuất gốm (trong đó 50 lò nung đốt gốm truyền thống, 15 lò nung đốt gốm bằng khí gas); số lao động trực tiếp tham gia sản xuất gốm khoảng 850 người. Mỗi năm, làng nghề sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ trên 1 triệu sản phẩm gốm các loại, đem lại doanh thu gần 100 tỷ đồng với thu nhập bình quân đạt 7-8 triệu đồng/người/tháng”.

Hiện người dân làng gốm Phù Lãng đang tham gia vào khóa học dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân làng gốm Toho (Nhật Bản). Đây là chương trình nằm trong dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài “Phát triển nghề làm gốm tại xã Phù Lãng” do UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2021 với tổng nguồn vốn hỗ trợ hơn 16,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài không hoàn lại hơn 13,6 tỷ đồng do JICA tài trợ và ủy thác cho Công ty TNHH Onimaru Setsuzan Kamamoto (Nhật Bản) trực tiếp quản lý, thực hiện. Các nghệ nhân của Nhật đã thành công trong việc sản xuất đất sét mịn theo phương pháp truyền thống của Nhật Bản, xây dựng lò đốt mới, rút ngắn thời gian nung và tiết kiệm nhiên liệu. Những mẻ gốm đầu tiên được làm ra bởi các nghệ nhân Nhật Bản và các thợ gốm Phù Lãng được hoàn thành theo kỹ thuật và cách nung theo phong cách gốm Nhật. Khác với những sản phẩm đặc trưng của gốm Phù Lãng, đây là những sản phẩm có tính ứng dụng cao với đa dạng mẫu mã, chủng loại. Theo đánh giá, những sản phẩm này hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu tại Nhật Bản và được kỳ vọng tạo các sản phẩm gốm tiêu chuẩn, chất lượng và có giá trị kinh tế cao.

Gốm Phù Lãng đang vươn mình phát triển. Mỗi sản phẩm được hình thành gửi gắm tâm huyết, đam mê và cũng đầy hy vọng của những người con đất gốm. Cùng với những chính sách liên kết, hỗ trợ phát triển, mở rộng thị trường, sự năng động, sáng tạo của những nghệ nhân, tin rằng gốm Phù Lãng tiếp tục có bước chuyển mình để đưa sản phẩm truyền thống quê hương đến với khách hàng trong và ngoài nước.

N.Quân

Lao động - Việc làm