Xây dựng cánh đồng lớn và vấn đề liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản

27/09/2024 16:42 Số lượt xem: 157
Dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn là chủ trương mang tính chiến lược của ngành nông nghiệp Việt Nam. Cánh đồng lớn là mô hình đáp ứng xu thế hội nhập, thúc đẩy hiện đại hóa, giúp thuận lợi cho vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp đưa máy móc, thiết bị và công nghệ vào quá trình sản xuất nông sản - từ giai đoạn chuẩn bị đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cho đến giai đoạn chế biến và bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cánh đồng lớn, sản phẩm đạt chất lượng và có giá trị cao cần có thêm những bước đột phá trong liên kết, xây dựng chuỗi giá trị, nhất là liên kết với doanh nghiệp.

Tại Bắc Ninh, theo thống kê hiện có 1.412 vùng trồng lúa năng suất, chất lượng cao quy mô từ 3 ha trở lên; 270 vùng chuyên canh rau màu quy mô từ 2 ha trở lên với các sản phẩm chủ lực như cà rốt, khoai tây, bí xanh, bí đỏ, hành tỏi, rau xanh các loại; 94 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung quy mô từ 1 ha/vùng trở lên. Toàn tỉnh cũng hình thành 112 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích 355 ha, trong đó 34 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, 60 cơ sở sản xuất rau hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên một đơn vị diện tích.
Toàn tỉnh hiện có 566 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó  hình thành một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với 62 HTX tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm, 54 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm của HTX sản xuất rau củ quả an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du) có 34 ha với hơn 100 thành viên, HTX tổ chức sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, kết hợp sơ chế, đóng gói và bán cho doanh nghiệp, cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh với tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt khoảng 1.115 tấn/năm. HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm (Gia Bình) thu mua, chế biến rau an toàn của các thành viên với tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt khoảng 180 tấn/năm. Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo nếp theo quy trình VietGap của HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Đức Lân (Yên Phong) có 50 ha với hơn 100 thành viên, HTX tổ chức sản xuất lúa theo quy trình VietGap sau đó bán cho các doanh nghiệp như Công ty CP Giống cây trồng Ninh Bình và Công ty sản xuất trà gạo lứt, các đại lý, cửa hàng lương thực trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ cho khoảng 16 HTX tham gia chương trình xúc tiến thương mại do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức.
Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm hàng hóa an toàn, chất lượng ngày càng cao, đặc biệt là hàng hóa nông sản. Vì vậy, phát triển HTX theo mô hình đa dạng, trong đó loại hình liên kết giữa các hộ nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là cần thiết. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX có nhiều cơ hội phát triển.
Nhằm nâng cao chất lượng các khâu sản xuất, Bắc Ninh có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hoá sản xuất. Đến nay tỉ lệ cơ giới hoá trong sản xuất lúa, khâu làm đất, tưới tiêu đạt trên 98%, gieo cấy đạt khoảng trên 15%, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt trên 60%, thu hoạch đạt gần 100%... Toàn tỉnh, hiện có gần 20 thiết bị bay không người lái, 47 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ xăng dầu, hơn 550 chiếc máy gặt đập liên hợp, gần 400 máy làm đất,… góp phần  thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, xây dựng các chuỗi sản xuất quy mô lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất.
Trong xu thế hội nhập, sức cạnh tranh ngày càng tăng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do, rõ ràng cánh đồng lớn chỉ là điều kiện cần. Để có thêm điều kiện đủ, các cánh đồng lớn cần phải mạnh với những chuỗi liên kết chặt chẽ giữa HTX, nông dân và doanh nghiệp, đồng thời cần sự đồng hành của cơ quan quản lý trong việc tạo cơ chế nhằm nâng sức cạnh tranh… Nông dân cần thay đổi tư duy, sản xuất theo đúng quy trình để cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho doanh nghiệp. Hợp tác với doanh nghiệp đồng nghĩa canh tác phải khoa học, loại bỏ hóa chất độc hại, bảo đảm an toàn sinh thái, sản phẩm kém chất lượng là nguy cơ phá vỡ  chuỗi liên kết.
Trong các dự án, đề án phát triển nông nghiệp, Bắc Ninh đều nhấn mạnh vấn đề hỗ trợ các HTX nông nghiệp, nông dân thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất tập trung, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn và cơ giới hóa đồng bộ.
Tuy nhiên, cần phải tính ngay đến việc đào tạo đội ngũ quản lý mô hình chuyên nghiệp, củng cố lại hoạt động các HTX sản xuất nông nghiệp trong hệ thống Liên minh HTX hiện nay; đặc biệt Nhà nước cần giúp sức nông dân, các HTX đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh bởi không thể phát triển sản xuất hiện đại, bền vững mà dựa trên nền móng là một cơ sở hạ tầng yếu kém.  Đây là vấn đề gắn chặt với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới mà Đảng, Nhà nước cùng nhân dân đang chung tay xây dựng.

Hoàng Mai

Kinh Tế