Vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông sản

23/08/2024 09:54 Số lượt xem: 492
Là những người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, nông sản, do đó, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên, nông dân về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong sản xuất nông nghiệp được Hội Nông dân tỉnh đặc biệt quan tâm.

Theo các nhà chuyên môn, có nhiều nguyên nhân gây mất VSATTP trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm như: sử dụng các loại hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học không đúng quy định; môi trường nước, đất đai hay vùng khai thác đánh bắt, nuôi trồng bị ô nhiễm các hóa chất độc hại sẵn có; khu chế biến nông sản như các lò giết mổ, các khu bán gia súc, gia cầm tại chợ… không thực hiện đúng quy định quản lý và kiểm duyệt của các cơ quan chức năng, không bảo đảm các quy trình VSATTP; tình trạng nhập lậu, buôn bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng trôi nổi trên thị trường… Tất cả những yếu tố trên đều tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hại trước mắt và lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng.
Từng bước thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm VSATTP, Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến hội viên, nông dân về quy trình sản xuất bảo đảm VSATTP. Trong đó, tập trung vấn đề VSATTP trong sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm; tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT về sản xuất rau, quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap; phối hợp xây dựng các dự án, mô hình thí điểm áp dụng các phương pháp sản xuất an toàn, sử dụng chế phẩm sinh học… Từ đó, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thay đổi hành vi trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, chấp hành tốt VSATTP, coi đây là nhiệm vụ, đồng thời thể hiện đạo đức, lương tâm của người sản xuất để tạo ra những sản phẩm bảo đảm VSATTP và bảo vệ môi trường.
Đến nay, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo 100% Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở thực hiện phong trào “Nông dân Bắc Ninh nói không với thực phẩm không an toàn”; vận động các chi Hội, cơ sở Hội, hội viên, nông dân, HTX, tổ hợp tác và các doanh nghiệp ký cam kết “Nói không với thực phẩm không an toàn”. Phối hợp tổ chức hội thi “Nông dân Bắc Ninh với an toàn thực phẩm”. Đưa nội dung tuyên truyền về an toàn thực phẩm, ký cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn” vào nội dung sinh hoạt của các chi hội và các câu lạc bộ “Gia đình nông dân văn hóa”, “Gia đình nông dân hạnh phúc”, “Gia đình nông dân phát triển bền vững”;…
Giúp nông dân có điều kiện mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, các cấp Hội nông dân trong tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, KHKT, công nghệ mới; tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản; xây dựng, thực hiện đề án về hỗ trợ nông dân sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng rau màu và chăn nuôi lợn, gia cầm để sản xuất thực phẩm an toàn, cải tạo môi trường; triển khai dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ rau an toàn theo hướng VietGap... Tổ chức cho nông dân tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao... Qua đó, nông dân nâng cao kiến thức, tích cực ứng dụng hiệu quả tiến bộ KHKT vào sản xuất; xây dựng được nhiều mô hình điểm mang lại hiệu quả như: Mô hình trồng măng tây xanh tại Gia Bình, Thuận Thành; trồng khoai tây thương phẩm tại Quế Võ; chế biến, tiêu thụ nông sản tại Minh Tân (Lương Tài); ứng dụng chế phẩm phân bón hữu cơ vi sinh EMZ để sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap tại Tiên Du…
Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp phối hợp với các công ty, doanh nghiệp xây dựng một số mô hình kết nối giữa nông dân và công ty phân phối để bảo đảm chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Hiện có nhiều đơn vị sản xuất trở thành đối tác cung ứng nông sản thường xuyên cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn, các bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh. Đơn cử như Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (xã Minh Tân, Lương Tài); HTX Liêm Anh, HTX rau an toàn Liên Ấp (xã Việt Đoàn, Tiên Du); HTX nông nghiệp Xuân Mai (xã Nhân Thắng, Gia Bình); HTX Quang Tiến (xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành)… Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp tích cực tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân làm thủ tục, hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện.
Nhờ tích cực triển khai các hoạt động bảo đảm VSATTP trong sản xuất kinh doanh, nhận thức của hội viên, nông dân có chuyển biến rõ rệt. Tuy vậy, tình trạng nông sản thực phẩm được sản xuất, kinh doanh theo mô hình bảo đảm an toàn chưa nhiều; còn nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; một số nơi vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm…
Hội nông dân tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn. Phối hợp tổ chức các buổi tập huấn ứng dụng tiến bộ KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi; sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tổ chức cho hội viên, nông dân đăng ký, cam kết, thực hiện sản xuất, kinh doanh bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm an toàn. Lồng ghép nội dung bảo đảm an toàn thực phẩm vào các cuộc vận động, các phong trào thi đua do các cấp hội nông dân phát động, xem đây là tiêu chí bình xét, công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và đánh giá thi đua xếp loại đơn vị hàng năm. Xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp, thủy sản an toàn; quảng bá, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản an toàn. Phối hợp tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm ở nông thôn; tuyên truyền các điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn…

Quang Minh

Kinh Tế