Tiếp nối hành trình phát triển

28/10/2024 20:08 Số lượt xem: 80
Bắc Ninh hôm nay đang phát triển trong một tâm thế vững vàng, năng động, đầy nội lực mà mục tiêu cụ thể nhất là đến năm 2027 hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thành phố Bắc Ninh được xây dựng trên cơ sở quy hoạch đồng bộ.

 

Tầm nhìn và chiến lược đưa Bắc Ninh phát triển, hội nhập được các thế hệ lãnh đạo tỉnh phát triển trên cơ sở mang tính kế thừa liên tục thông qua việc xây dựng và triển khai các chủ trương về phát triển giao thông và đẩy mạnh xây dựng và phát triển các KCN gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại hóa, bởi đây được xác định là những vấn đề quyết định cho quá trình phát triển.
Cùng với cầu Hồ, cầu Bình Than và mở rộng, xây dựng đường 295B, Quốc lộ 1, 38, 18, nút giao khu công nghiệp Yên Phong với QL18, nút giao Tây Nam thành phố Bắc Ninh và các tuyến đường nội tỉnh... đã phá vỡ thế chia cắt, tạo sự liên thông trong tỉnh và kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Cảng Cái Lân... đưa Bắc Ninh hòa nhập vào tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội-Quảng Ninh-Hải Phòng. Giao thông nội tỉnh phát triển như những mạch máu mang nguồn “dinh dưỡng” giúp tỉnh có cơ hội quy hoạch các khu đô thị, xây dựng các khu công nghiệp tập trung, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ cao đánh thức một vùng đất thuần nông, bình lặng. Chính sự kế thừa, phát triển sáng tạo, chất lượng trong lãnh đạo điều hành qua từng giai đoạn đã giúp Bắc Ninh phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, ứng dụng công nghệ đưa nông nghiệp sang hướng sản xuất hàng hóa tập trung, kiến tạo nông thôn mới gắn với đô thị, tạo nền tảng vững chắc, đưa Bắc Ninh tiến gần hơn với mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ trương phát triển các KCN, xây dựng đô thị hiện đại là khâu đột phá, tạo động lực chính để thu hút đầu tư tiếp tục được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng. Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và đến hôm nay, những sự kế thừa, tiếp nối một lần nữa được khẳng định Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đô thị công nghiệp văn minh.
Có thể khẳng định, phát triển công nghiệp được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là quyết tâm chính trị của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh trong suốt gần 3 thập kỷ sau tái lập tỉnh. Những bước đi đầu tiên, Bắc Ninh chủ động phát huy tất cả những yếu tố mà tỉnh đang có, tiếp nhận doanh nghiệp có thiện chí về với tỉnh. Giai đoạn 1997-2000, chủ trương phát triển công nghiệp quan tâm nhiều đến số lượng để tạo một bước đệm vững chắc. Giai đoạn 2000-2006, công nghiệp Bắc Ninh được quy hoạch theo hướng nâng cao chất lượng, tỉnh thực hiện chiến lược “trải thảm đỏ” nhằm tạo làn sóng đầu tư mới vào các KCN tập trung. Từ năm 2007, cùng với phát huy nội lực, Bắc Ninh tận dụng thời cơ hội nhập quốc tế mở ra cơ hội xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN Bắc Ninh. Từ năm 2010 đến nay, Bắc Ninh tập trung xúc tiến thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án điện tử công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hướng tới thị trường đầu tư từ Mỹ và khối EU.
Định hướng phát triển công nghiệp đã mang đến nguồn sinh khí mới cho Bắc Ninh khởi sắc, phát triển. Từ những bước đi bài bản trong công tác quy hoạch, đến quá trình chỉ đạo và thực hiện, các KCN hiện không chỉ là một bộ phận riêng biệt với sức hút lớn từ các dự án FDI mà tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối với hạ tầng ngoài hàng rào KCN, vừa phục vụ nhà đầu tư thứ cấp trong việc triển khai nhanh dự án, vừa góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh, phục vụ tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chính những điều đó trở thành chất men xúc tác để các nhà đầu tư lựa chọn Bắc Ninh là điểm đến lý tưởng.
Thành công lớn nhất của Bắc Ninh thu hút được các dự án đầu tư lớn, có thương hiệu mạnh trong châu lục và trên thế giới, xây dựng được hình ảnh đặc trưng của mỗi KCN, kéo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh, tạo lập KCN chuyên ngành và công nghiệp hỗ trợ, trở thành địa phương nhiều năm liền (từ 2011- 2021) đứng trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài vào KCN. Từ hạt nhân các KCN đã hình thành các khu đô thị mới, các công trình hạ tầng xã hội phát triển.
Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó 12 KCN đã đi vào hoạt động; 15 KCN đã được thành lập; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch đạt trên 60%. Bên cạnh việc sẵn sàng về mặt bằng, nâng cao hạ tầng kết nối, tỉnh Bắc Ninh luôn sẵn sàng lắng nghe, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng.
Tuy nhiên năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và một số chỉ số khác của Bắc Ninh có hướng giảm điểm, điều đó đòi hỏi những giải pháp mang tính đột phá, tinh thần trách nhiệm cao hơn của các ngành và các địa phương, qua đó nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, góp phần hiện thực hoá mục tiêu thu hút 7 tỷ USD vốn FDI trong năm nay. Hết tháng 9-2024, Bắc Ninh thu hút hơn 4,2 tỷ USD, dẫn đầu cả nước.
Các KCN tập trung Bắc Ninh hiện có gần 1.400 dự án hoạt động, tạo ra hơn 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu luôn tăng trưởng cao, ổn định (khoảng 90% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh). Sự phát triển của các KCN là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp; thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đưa nền kinh tế Bắc Ninh tham gia hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế.
Đến nay, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho khoảng 1.450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 26 tỷ USD, đến từ 37 quốc gia, vùng lãnh thổ (toàn tỉnh có hơn 2.400 dự án thuộc 41 quốc gia, vùng lãnh thổ). Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon, Foxcon, Goertek,… đặc biệt thu hút thành công các dự án công nghệ cao, công nghệ mới như sản xuất chip bán dẫn, bản mạch điện tử như: Amkor Technology, Victory … Chất lượng các dự án ngày càng được nâng cao, suất đầu tư tính trên số dự án khoảng 13,67 triệu USD/dự án và khoảng 11,19 triệu USD/ha.
Từ hạt nhân các KCN đã hình thành các khu đô thị mới, các công trình hạ tầng xã hội. Trong một không gian kinh tế thuận lợi, môi trường đầu tư an toàn, chính sách sau đầu tư hấp dẫn, Bắc Ninh hôm nay đang phát triển với đầy đủ tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Theo xu hướng phát triển, Bắc Ninh đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn, chíp với việc Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn lớn nhất Việt Nam của Tập đoàn Amkor tại KCN Yên Phong II-C đi vào hoạt động từ tháng 10-2023 đưa Bắc Ninh chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn.
Theo thống kê, các chỉ tiêu sau 9 tháng năm 2024 đều có sự khởi sắc, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bắc Ninh tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2023; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ; hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,1%, doanh thu vận tải tăng 30,3%. Thu ngân sách Nhà nước tăng 20,5%, doanh thu du lịch tăng 48%.
Đặc biệt, hoạt động đối ngoại, hợp tác tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao vị thế của tỉnh với các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh thực hiện xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển tại nhiều quốc gia; tổ chức  tiếp và làm việc với Đoàn công tác các nước, các doanh nghiệp nước ngoài thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư, đưa Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 4,2 tỷ USD bao gồm cả vốn cấp mới và điều chỉnh.
Có thể khẳng định sự tiếp nối, kế thừa trong chủ trương, định hướng; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, đề ra các giải pháp với những kịch bản cụ thể, bám sát diễn biến tình hình của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đang tạo nền tảng để Bắc Ninh hoàn thành các mục tiêu về kinh tế-xã hội năm 2024 và nhiệm kỳ 2020-2025.

Hoàng Mai

Kinh Tế