Thêm giải pháp phát triển công nghiệp

03/05/2024 09:54 Số lượt xem: 618
Trái với mức giảm so cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 phục hồi trở lại với mức tăng 35,4% so tháng trước và 7,3% cùng tháng năm trước. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao 35,6%, trong đó 100% các sản phẩm chủ lực của tỉnh đều tăng như: Điện thoại thông minh tăng 26%; đồng hồ thông minh tăng 30,2%; linh kiện điện tử tăng 49,3%; pin điện thoại các loại tăng 54,3%... cho thấy xu hướng tích cực hơn của sản xuất công nghiệp. Tương ứng với mức tăng của IIP, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 cũng tăng 27,6% so với tháng trước, sự phục hồi của xuất khẩu kỳ vọng sẽ dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh trong những quý sau.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng mạnh trong tháng 3, nhưng tính chung quý I chỉ số IIP vẫn bị giảm 8,67% so cùng kỳ. Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp tuy có tăng nhưng mức độ chuyển biến còn chậm và chưa thật sự khởi sắc. Xu hướng phục hồi chưa rõ nét, kinh tế của tỉnh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh, một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao…
Tuy nhiên các nhà sản xuất cũng thể hiện sự tin tưởng sản lượng sẽ tăng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp dự kiến tung ra sản phẩm mới để thúc đẩy sản lượng, đồng thời cũng hy vọng nhu cầu thị trường được cải thiện sẽ giúp tăng số lượng đơn đặt hàng mới. Cho nên các doanh nghiệp sẽ có những đơn đặt hàng mới để duy trì sản lượng và sẽ tăng dần lên khi thị trường phục hồi. Kết quả điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II khả quan hơn quý I với 82% số doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý II tốt hơn và giữ ổn định so với quý I, chỉ có 18% số doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn quý I.
Cùng với chuyển biến tích cực từ phía các nhà sản xuất, cũng như thị trường, công tác điều hành, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của tỉnh sẽ tạo thêm nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trong thời gian tới. Đó là, tập trung  đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững, thu hút và phát triển mạnh công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp công nghệ cao. Đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, hướng vào các thị trường tiềm năng, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh như: Mỹ, Trung Quốc, Ca-dắc-xtan,... và coi đây là một trong những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những hạn chế của ngành công nghiệp địa phương, nhất là về năng lực tự chủ trong sản xuất. Về phía các sở, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất mới. Kết nối với các trung tâm công nghiệp của các tỉnh, thành và khu vực nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái về công nghệ và sản xuất công nghiệp; đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp nền tảng, ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp hỗ trợ, bán dẫn, chíp.
Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Sở Công Thương, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở trong nước. Khởi động chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh năm 2024 theo Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh, Bộ Công Thương và Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam nhằm tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt trên địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Thái Uyên

Kinh Tế