Sức bật từ chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm

01/10/2023 17:24 Số lượt xem: 922
Thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có 93 sản phẩm được chứng nhận từ 3 đến 4 sao. Đây không những là nền tảng để các sản phẩm nâng tầm giá trị, vươn xa hơn trên thị trường mà còn khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu.

Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ và du lịch có lợi thế tại các địa phương. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm OCOP và ngành nghề nông thôn; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng và mua thiết bị kho lạnh, thiết bị chuyên dùng cho siêu thị, cửa hàng tiện lợi; hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu mua tem phục vụ truy xuất nguồn gốc (quy định mức hỗ trợ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân). Các tổ chức, cá nhân sản xuất có sản phẩm được cấp có thẩm quyền phê duyệt tham gia Chương trình OCOP sẽ được hỗ trợ 50% chi phí tư vấn sản phẩm; trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lưu Văn Khải, với vai trò cơ quan thường trực thực hiện chương trình, Chi cục Phát triển nông thôn tham mưu cho Sở NN&PTNT xây dựng chiến lược, giải pháp thực hiện bám sát thực tiễn để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị, tham quan, học tập kinh nghiệm để chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản phẩm OCOP hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP. Có thể nhận thấy các chủ thể sau khi tham gia chương trình OCOP đã đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; cải tiến mẫu mã bao bì, hình thức sản phẩm, gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp chủ thể nâng quy mô sản xuất và doanh thu. Một số chủ thể đã chuyển từ quy mô hộ sản xuất - kinh doanh lên thành công ty. Các sản phẩm từ chỗ thô sơ nay đã khoác một diện mạo mới đẹp hơn, tiêu chuẩn chất lượng được kiểm soát kỹ càng hơn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống phân phối, được tiêu thụ ổn định. Thông qua chương trình OCOP tác động tích cực đến phát triển kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm. Góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm đặc sản địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

Sản phẩm mắm tép chưng thịt PTK, thị trấn Lim (Tiên Du) đang tập trung hướng đích chất lượng 5 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh.


Mặc dù đạt kết quả nhất định, nhưng do đa số người dân chưa hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm do đó việc triển khai thực hiện phát triển sản xuất chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn. Quy mô sản xuất manh mún, liên kết sản xuất nhỏ lẻ, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế dẫn đến chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn để tạo ra sản phẩm OCOP có quy mô, giá trị sản xuất cao. Các chủ thể tham gia OCOP là các hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX quy mô sản xuất nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ. Ngoài ra mặc dù được đánh giá tốt về chất lượng, song khâu thương hiệu còn nhiều bất cập, bao bì, nhãn mác chưa bắt mắt. Các đơn vị sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, chưa có truy xuất nguồn gốc, hồ sơ chứng từ và các thủ tục pháp nhân trong giao dịch mua - bán. Đây là một nguyên nhân khiến sản phẩm OCOP chưa tiếp cận được hệ thống bán lẻ hiện đại.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp, HTX tham gia Chương trình OCOP. Theo đó, sẽ có tối thiểu 150 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao. Để đạt kết quả đó, các sở, ngành, địa phương liên quan cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; tăng cường tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về bao bì, tem nhãn, thương hiệu, hồ sơ sản phẩm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; phối hợp đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, in tem truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm… để sản phẩm OCOP thực sự vươn xa.

Nguyễn Tuấn

Kinh Tế