Nhiều chính sách hỗ trợ nông dân

08/09/2024 20:15 Số lượt xem: 311
Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND năm 2022 hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn tỉnh Bắc Ninh được triển khai mạnh mẽ đem lại động lực lớn cho doanh nghiệp, nông dân sản xuất hiệu quả.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, đơn vị tham mưu giải ngân hỗ trợ theo Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND đạt gần 64,86 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho trồng trọt là 12,17 tỷ đồng; chăn nuôi, thuỷ sản hơn 28 tỷ đồng; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật 20,8 tỷ đồng; bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản 805,7 triệu đồng; bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản 2,12 tỷ đồng; hỗ trợ riêng đối với chương trình OCOP và phát triển ngành nghề nông thôn 450 triệu đồng... Ngoài chính sách của tỉnh, từ cấp huyện, thị xã, thành phố tới xã, phường còn có một số chính sách hỗ trợ bổ sung theo đặc thù địa phương.
Chính sách hỗ trợ được các tổ chức, cá nhân đón nhận tích cực, mạnh dạn đầu tư vốn, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ mới để sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Toàn tỉnh có 2.441 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô từ 3 ha trở lên; trong đó số vùng sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng cao tập trung 1.412 vùng với tổng diện tích 14.857,2 ha. Các giống lúa năng suất, chất lượng cao chủ lực được hỗ trợ đưa vào sản xuất là: BC15, VNR20, Bắc thơm số 7, Nếp BM9603, PD2,...
Toàn tỉnh có 270 vùng rau, màu chuyên canh quy mô từ 2 ha trở lên với sản phẩm chủ lực là cà rốt, khoai tây, cà chua, hành, tỏi, rau các loại; 94 vùng sản xuất cây ăn quả quy mô từ 1 ha trở lên với sản phẩm ổi, chuối, cam. Việc hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tạo thuận lợi cho áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ giúp giảm chi phí công lao động, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, chủ động thời vụ, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế. Tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất cơ bản đạt 100%, tưới tiêu đạt trên 98% diện tích, thu hoạch đạt trên 95%, gieo cấy đạt khoảng 15-20%, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt trên 70% (trong đó có ứng dụng công nghệ sử dụng thiết bị bay không người lái).

 

Cán bộ huyện Gia Bình hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân tại xã Đông Cứu.


Ngoài ra, toàn tỉnh có 174 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên, trong đó 108 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 66 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Nhiều nông sản đạt OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh như: tỏi An Thịnh Bà Lý của Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch và giáo dục Gia An; mắm tép chưng thịt của Công ty cổ phần PTK Việt Nam; bún khô, phở khô của HTX đầu tư và phát triển nông nghiệp Khương Huy...
Để người dân nắm rõ và thụ hưởng kịp thời, đầy đủ chính sách hỗ trợ, công tác tuyên truyền phổ biến được đẩy mạnh với nhiều hình thức như phát hành văn bản, thông qua hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình, báo chí, trang thông tin của các sở, ngành, địa phương; tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị ... Thiết lập  kênh hướng dẫn trực tiếp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đề nghị hỗ trợ cho người dân. Qua quá trình kiểm tra, theo dõi cho thấy cơ bản các địa phương thực hiện đúng chủ trương, chính sách của tỉnh; các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ các nội dung trên đều thực hiện đúng cam kết duy trì sản xuất theo quy định của Nghị quyết.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương tăng cường nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các nội dung hỗ trợ phù hợp với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, quan tâm quy định cụ thể mức hỗ trợ kinh phí phân chia theo thời gian cam kết để công tác quản lý kinh phí hỗ trợ sau đầu tư được hiệu quả; sửa đổi phương thức hỗ trợ giống lúa năng suất, chất lượng cao thuận lợi cho quá trình thực hiện; rút gọn thủ tục đề nghị hỗ trợ... Bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề… Thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát bảo đảm việc tiếp nhận và sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả...

Song Giang

Kinh Tế