Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Đan viện Châu Sơn

28/06/2024 10:01 Số lượt xem: 217
Trung tuần tháng 6, có việc ghé toà soạn Báo Ninh Bình, tôi bất ngờ gặp lại đồng nghiệp vốn là bạn đại học cuối những năm 1990, ông bạn này vẫn phong cách xởi lởi cố hữu: “Đến cố đô lần này, ngoài công việc, ông muốn thăm thú những đâu?”. - Thì những Bích Động, Tam Cốc, Tràng An, Bái Đính, Cúc Phương và gần đây là danh thắng Thung Nham tôi đều thuộc như lòng ban tay…

Du khách thả bộ quanh khuôn viên toà thánh Đan viện Châu Sơn.

 

- Tôi ra vẻ đi nhiều! Nhưng ông bạn quả quyết, giữa núi rừng Nho Quan huyền bí, còn một địa chỉ tham quan rất đẹp mà chắc chắn tôi chưa ghé, vì trước đây họ biệt lập, không cho người lạ tham quan. Đó là Đan viện Thánh mẫu Châu Sơn, tức Nhà thờ hay Thánh đường Châu Sơn, toạ lạc tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan. Đây được ví như một góc Châu Âu thu nhỏ, mang vẻ đẹp kiến trúc thanh tao, huyền bí và tôn nghiêm. Ông bạn tôi trước từng đỗ khoa hướng dẫn viên du lịch nhưng lại chọn ngành báo chí, hình như nhớ niềm đam mê một thời nên mới Review (giới thiệu) cho bạn cũ điểm đến cuốn hút của quê hương.
Vượt hơn 30 cây số từ thành phố Ninh Bình trong cái nắng hầm hập gần 40 độ C, đột ngột ló dạng giữa vùng nước biếc non xanh Nho Quan vẻ tráng lệ của Toà thánh đường cùng những ngôi nhà khuất nẻo ẩn sâu trong khoảng không gian xanh mà tạo hoá bày biện đến là khéo léo, hoà hợp những thế núi, hình sông, mặt hồ… Thoáng nhìn toà thánh đường tôi nhận ra các khối kiến trúc bao quanh đều xây cất kiểu kiến trúc Gô-tích đặc trưng xứ Châu Âu, vật liệu là thứ gạch đỏ nung không trát, nhang nhác Nhà thờ Đức Bà ở TP Hồ Chí Minh, nhưng quy mô thì lớn hơn. Có điều lạ, Thánh đường tráng lệ như vậy, nhưng du khách khá thưa thớt, có lẽ họ chưa biết tới bởi gần đây mới cho khách tham quan (miễn phí). Đây chắc sẽ là điểm đến cho những người ưa khám phá.
Chầm chậm bước chân quanh lối đi rải sỏi rạch sẽ, tôi càng ngỡ ngàng trước vẻ tráng lệ, huyền bí và mênh mang của Toà thánh đường, ngỡ mình đang ở trời Âu.
Thánh đường Châu Sơn thuộc dòng Xito được xây dựng từ năm 1939. Công trình được xây để trở thành một đan viện chuyên về chiêm nghiệm. Điều kỳ diệu là Đan viện được xây dựng không xi măng cốt thép, được thiết kế kiểu Gô-tích dài 64m, rộng 20, cao 21m, xây theo hướng Đông - Tây, mặt tiền hướng Đông. Điểm nhấn xuyên suốt chiều dài 64m của công trình là những thân cột được thiết kế khéo léo thành những tháp nhỏ cân xứng. Tường được trang trí hài hòa bởi các cửa sổ, chia thành hai tầng trên và dưới, phía trong là cửa kính gỗ, phía ngoài chính là những bức tranh “chạm thủng” họa hình. Phía trong Thánh đường, ánh sáng tự nhiên vừa đủ lọt vào hai hành lang rộng qua những cửa sổ lớn. Sắc nắng lung linh tôn lên những hàng cột tròn, những họa tiết trang trí và phù điêu có tính khái quát cao. Mái vòm trắng là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc trong lòng thánh đường, làm nổi bật với các bức phù điêu màu tuyệt tác…
Khuôn viên xung quanh Thánh đường vô cùng thoáng mát rộng mênh mang với Vườn Fantima và những bãi cỏ xanh, hồ nước trong veo được trang trí bằng các hòn non bộ cùng với bãi  đá trứng nhân tạo; giếng đá ong cổ nằm dưới lòng đất và hang đá Núi Sọ phía sau Thánh đường Châu Sơn. Tất cả tạo nên một không gian trầm lặng, tôn nghiêm như trong miền cổ tích của châu Âu.
Du khách muốn ghé nơi đây cần lưu ý, vì ngày thường Đan viện hạn chế chỉ mở cửa cho khách tham quan từ 8h - 10h30 và 14h30 - 16h30 đối với thứ 2 đến thứ 7; 8h - 10h và 15h30 - 16h30 đối với chủ nhật. Đan viện cũng không cho tham quan vào khoảng đầu tháng 8 và khoảng tháng 3.

Thanh Tú

Kinh Tế