Lấy lại sức hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

22/07/2024 19:45 Số lượt xem: 688
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong  đó vốn thực hiện đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước và Bắc Ninh dẫn đầu các địa phương thu hút được dòng vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,6 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3,1 lần cùng kỳ.

Được biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký của Bắc Ninh đạt hơn 1 tỷ USD, thì sang đến tháng 6, tổng vốn FDI đăng ký đã vượt lên gần 2,6 tỷ USD. Nguyên nhân lượng vốn FDI của Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu trong 6 tháng đầu năm 2024 và tăng mạnh so với cùng kỳ do có dự án điều chỉnh vốn lớn 1,07 tỷ USD từ dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại KCN Yên Phong II-C.
Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Ninh cấp mới 244 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,102 tỷ USD. Con số này tăng gấp 2 lần về số dự án và tăng 1,9 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng điều chỉnh vốn 87 dự án với tổng số vốn điều chỉnh tăng 1,526 tỷ USD. Đặc biệt tỉnh chủ động thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, và thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Bắc Ninh trong các ngành, lĩnh vực theo đúng định hướng của tỉnh đưa ra, tiêu biểu như một số tập đoàn lớn đã và đang tiếp tục đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô đầu tư như: Goertek, Amkor, Foxconn, Suntory Pepsico, Victory Giant Technology Singapore,…
Thực tế cho thấy, vốn đầu tư tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,… như Bắc Ninh. Lũy kế đến nay, Bắc Ninh cấp đăng ký đầu tư cho 2.347 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 27,67 tỷ USD.

 

Nguồn nhân lực chất lượng, ổn định là một lợi thế của Bắc Ninh trong thu hút đầu tư.

 

Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý 2-2024 của tỉnh đạt 8,06%, kéo tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,32% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,35%; khu vực dịch vụ tăng 5,62%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%; thuế sản phẩm tăng 0,88%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp - xây dựng chiếm 68,9%; dịch vụ chiếm 23,6%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,9%.
Vượt qua những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, làm gián đoạn hoạt động của chuỗi cung ứng thương mại quốc tế đối với cung - cầu hàng hóa, gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của cả nước. Trong đó tỉnh Bắc Ninh với quy mô nền kinh tế lớn và cơ cấu FDI chiếm tỷ trọng cao bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.

 

6 tháng đầu năm 2022, GRDP của Bắc Ninh đạt hơn 67.000 tỷ đồng, tăng 14,7%; cả năm 2022 đạt hơn 139.000 tỷ đồng, tăng 5,14%.
Đến 6 tháng đầu năm 2023, GRDP chỉ đạt xấp xỉ 57.000 tỷ đồng, chính thức ghi nhận mức tăng trưởng âm 12,59%. Hết năm 2023, GRDP của Bắc Ninh chỉ đạt hơn 126.000 tỷ đồng, tăng trưởng âm 9,28% so với cùng kỳ.
Đến 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế Bắc Ninh phục hồi tích cực, GRDP đạt hơn 59.000 tỷ đồng, tăng 2,32% so với cùng kỳ 2023.


 Những tác động tiêu cực với quy mô và phạm vi toàn cầu khiến những tính toán và dự báo cho giai đoạn 2021-2025 của tỉnh cần có sự thay đổi, dựa trên những thực tế khách quan. Theo nhận định của các chuyên gia, trường hợp muốn đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, năm 2024 và 2025 phải đạt mức tăng trưởng GRDP trung bình khoảng 15-16%
Trên cơ sở đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có báo cáo số 339 - BC/TU ngày 17-10-2023 đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 là một trong những chỉ tiêu cần nỗ lực phấn đấu để hoàn thành mục tiêu Đại hội, dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 5%/năm, trong đó năm 2024 và 2025 phải tăng bình quân khoảng 12-13%/năm.
Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh tích cực chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực triển khai các giải pháp giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc, 8 điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội; hàng quý xây dựng Kế hoạch điều hành tăng trưởng kinh tế xã hội với danh sách các nhiệm vụ cụ thể, gắn với trách nhiệm triển khai, thời hạn hoàn thành của từng cơ quan, đơn vị để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các đột phá, dư địa phát triển mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của năm 2024 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 237 ngày 8-12-2023.

Hoàng Mai

Kinh Tế