Kết nối chuyển giao, đổi mới công nghệ trong sản xuất

04/11/2024 20:11 Số lượt xem: 207
Đổi mới công nghệ là yếu tố “sống còn” của các mô hình sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, không ít cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn khi thiếu thông tin, chính sách hỗ trợ để thực hiện.

Theo bà Lê Thị Yên, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh), đây là nội dung nhằm thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 1851 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu định hướng chính sách hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ nhằm rút ngắn khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Bắc Ninh tuy là tỉnh có sự hiện diện của nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI, song hầu hết doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam với máy móc, thiết bị hiện đại đưa trực tiếp từ công ty mẹ. Trên cơ sở thực trạng này, năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể tiến hành khảo sát nhu cầu tìm kiếm công nghệ nước ngoài đối với các cá nhân, tổ chức thực sự có nhu cầu. Kết quả, Sở đã tiếp nhận được thông tin phản hồi của 12 cá nhân và 61 doanh nghiệp, HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Qua đánh giá, hầu hết các tổ chức, cá nhân đều có nhu cầu đổi mới công nghệ, song mức độ sẵn sàng về nguồn lực đầu tư còn hết sức hạn hẹp. Chị Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Lương Ngọc, thôn Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm (Gia Bình) cho biết: “Xây dựng mô hình từ năm 2022 với quy mô nhà kính gần 5.000 m2, đến nay, chúng tôi muốn cải tạo hệ thống phun tưới, điều hòa nhiệt độ, đầu tư các loại giống tốt hơn. Tuy nhiên, ngoài quỹ đất đã thuê được, tôi chỉ dự trù kinh phí khoảng 200 triệu đồng cho việc đổi mới công nghệ”.

 

Công nghệ nước ngoài chủ yếu được chuyển giao trực tiếp ở các doanh nghiệp FDI.
Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Segung Vina (KCN Quế Võ).

 


Là người đi đầu trong việc nghiên cứu, thử nghiệm thành công thành phẩm phân bón hữu cơ dạng viên từ rác thải, chị Đàm Thị Tuyến, xã Xuân Lai (huyện Gia Bình) chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi tiếp tục sáng tạo, thử nghiệm chế biến rác hữu cơ theo 3 cách: Xay bằng máy của Công ty cổ phần Điện cơ Thiên Long HP; ủ thô bằng chế phẩm IMO; chế biến thành phân bón dạng viên. Sau khi huy động hội viên phụ nữ cùng địa phương và chuẩn bị được khoảng 1,3 tỷ đồng để mở rộng mô hình, chúng tôi mong muốn được các cấp, các ngành hỗ trợ chuyển giao, tư vấn tiếp cận những công nghệ mới, tiên tiến để tăng năng lực xử lý chất thải, rác thải, nâng cao chất lượng sống khu vực nông thôn”.  
Thực tế, trong môi trường cạnh tranh và toàn cầu hoá như hiện nay, những cơ sở doanh nghiệp vẫn chọn phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống sẽ có nguy cơ rời khỏi thị trường. Tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ sẽ cho phép doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu, tạo điều kiện khâu tiêu thụ… Cùng với việc điều tra, khảo sát nhu cầu từ thực tiễn, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách của địa phương về hỗ trợ đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của các các cơ sở, doanh nghiệp; kết nối cung - cầu về khoa học công nghệ trong và ngoài nước phù hợp với nhu cầu, năng lực, điều kiện tiếp nhận của cơ sở, doanh nghiệp; hướng dẫn tiếp cận với các kênh tìm kiếm và tư vấn, hỗ trợ các loại hình dịch vụ về chuyển giao công nghệ; huy động tối đa các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tham gia các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Song Giang

Kinh Tế