Giá hàng hóa ổn định sau tăng lương
Khảo sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống lớn trong tỉnh cho thấy, giá hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, nước mắm, thịt, cá, rau… vẫn ổn định. Ông Diêm Quốc Hùng, Giám đốc Hệ thống Siêu thị Dabaco, đường Lý Thái Tổ (TP Bắc Ninh) cho biết: “Đến thời điểm này, việc tăng lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức chưa tác động đến giá hàng hoá. Giá bán các mặt hàng trong hệ thống siêu thị Dabaco vẫn bình ổn. Dự kiến từ nay đến hết tháng 12, hàng hóa tại siêu thị khi tới tay người tiêu dùng giá không thay đổi so với trước. Do đầu năm, Siêu thị đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất, phân phối cung ứng thỏa thuận giá hàng hóa ổn định hết năm 2024. Sau khi hết hạn hợp đồng, có thể các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ có động thái điều chỉnh giá nếu nguyên liệu đầu vào, nhân công… có biến động. Hệ thống Siêu thị sẽ có những chiến lược về giá cũng như đàm phán với các nhà cung cấp để giá hàng hóa bán cho người tiêu dùng đạt được mức tốt nhất…”.
Ông Trần Đức Đoàn, Phó Trưởng Ban quản lý chợ Giầu, phường Đông Ngàn (TP Từ Sơn) cho biết: “Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng, lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%, lương tối thiểu vùng tăng 6%. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay nhưng giá hàng hóa tại chợ vẫn ổn định, không bị tăng theo lương như những lần tăng lương trước đây nên cả người bán và mua đều thấy yên tâm, phấn khởi…”.
Tại các siêu thị, hàng hóa phong phú, giá ổn định.
Chị Nguyễn Thị Hường, Giáo viên trường Tiểu học Minh Đạo (Tiên Du) cho biết: “Những năm qua, giá cả thị trường vẫn luôn “chạy trước” lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Nhiều khi vừa có thông tin tăng lương, người hưởng lương chưa kịp vui với mức lương mới thì đã phải đối mặt với việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng chóng mặt. Tôi lo lắng đợt tăng lương lần này, giá cả thị trường lại tăng vọt, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhưng trước và sau khi thực hiện cải cách tiền lương đợt này, tôi đi mua sắm tại chợ và siêu thị đều thấy giá hàng hóa vẫn bình ổn, một số mặt hàng còn khuyến mãi giảm giá hơn nên có phần yên tâm và hy vọng cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện hơn nhờ vào chính sách tăng lương…”.
Thị trường hàng hóa ổn định sau khi tăng lương không chỉ góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu các sản phẩm, kích cầu thị trường, mà còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng hóa, dịch vụ với chất lượng và giá cả phù hợp, mang đến quyền lợi cho người tiêu dùng. Số liệu tổng hợp từ Cục Thống kê tỉnh, tháng 6 chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh tăng nhẹ 0,18% so tháng trước. Trong đó, 6/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số tăng. Ở chiều ngược lại, 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giảm, 1 nhóm có giá giữ nguyên so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 13,3% so với cùng kỳ… Những con số số này cho thấy nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có những tín hiệu tích cực.
Mặc dù giá hàng hóa khá ổn định nhưng người dân vẫn có tâm lý lo lắng giá cả sẽ tăng theo. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng cho biết sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát giá, bình ổn thị trường; ngăn chặn lạm phát, không để giá cả hàng hóa leo thang để việc tăng lương thực sự ý nghĩa.