“Tiếp lửa” nghề gốm truyền thống Phù Lãng

19/07/2024 19:29 Số lượt xem: 434
Sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống gốm Phù Lãng, thị xã Quế Võ, thế hệ trẻ nơi đây thấu hiểu và trân trọng những giá trị của cha ông tạo dựng bao đời. Để từ đó, những người trẻ bằng nhiệt huyết, tình yêu, đam mê đã nối tiếp, gìn gữ và phát huy nghề, khẳng định được bản lĩnh, tìm kiếm thị trường đưa sản phẩm làng nghề đi muôn phương.

Tự hào với nghề gốm
Sinh ra trong gia đình 4 đời làm nghề gốm sành nâu ở Phù Lãng, chị Nguyễn Thị Năm nối nghiệp như một sứ mệnh được trao truyền. Chị chia sẻ, từ nhỏ đã quen với mùi hương củi, lửa, đất sét, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Năm mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang, nhưng nhớ lời căn dặn của cụ Nội là đời các con, cháu sau này dù gái hay trai cũng phải nối nghề và giữ lửa nghề truyền thống ông cha để lại. Học nghề được một thời gian, Năm nghỉ hẳn ở nhà phụ giúp gia đình làm nghề. Nhiều lần ngắm những tác phẩm gốm chị suy nghĩ: “Mình sẽ sáng tạo gì trên những tác phẩm này, làm thế nào để đẹp hơn, phù hợp hơn với đời sống, nhu cầu người tiêu dùng ngày nay”.

 

Hai anh em Phạm Văn Hoàng, Phạm Hồng Khánh tạo hình sản phẩm gốm.


Quyết định nối nghiệp gia đình, chị dày công học hỏi thêm kiến thức về mỹ thuật như tạo hình khối, màu sắc, thiết kế sản phẩm… để có thể vận dụng, sáng tạo khi sản xuất gốm. Bằng tình yêu nghề và được sự ủng hộ của gia đình, chị quyết tâm theo đuổi đam mê và thành công mỉm cưới với chị. Năm luôn tâm niệm làm sao để vừa cải tiến, vừa hoàn thiện công nghệ, vừa  bảo đảm yếu tố truyền thống của gốm cổ. Dựa trên họa tiết hoa văn, các điển tích cổ, chị tạo ra những thiết kế mới, thổi hồn vào sản phẩm. Chị Năm chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm men nâu kết hợp tinh xảo giữa nước men cũ và những yếu tố mới như vẽ họa tiết, hình lên sản phẩm. Màu sắc của sản phẩm hài hòa, đa dạng, không chỉ đơn sắc như trước, kiểu dáng được cải tiến đa dạng theo đơn đặt hàng của khách”. Điểm đặc sắc là các dòng sản phẩm gốm tâm linh. Chị phải chọn đúng thời điểm ánh sáng không quá gắt để phơi gốm, đốt lò phải dùng 2 loại củi, củi to ở dưới, củi nhỏ ở trên cho đều màu và toát lên vẻ đẹp của đất, cùng những đường vân đắp nổi mang đậm màu sắc độc đáo mà chỉ gốm Phù Lãng mới có được. Hiện gia đình có hàng chục loại sản phẩm. Mỗi sản phẩm là một khuôn hình vừa mộc mạc, chắc khỏe vừa hiện đại và độc lạ. Gia đình đang tập trung hoàn thiện những sản phẩm khách hàng ở tỉnh Hưng Yên và thành phố Hồ Chí Minh đặt trước; trung bình mỗi tháng xuất bán 2.500 sản phẩm các loại, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, mức thu nhập bình quân 400 nghìn/ngày/lao động.

Quyết tâm đưa nghề gốm vươn xa.
Sinh ra trong gia đình nhiều đời làm nghề gốm cổ truyền ở thôn Phù Lãng, hai anh em trai Phạm Văn Hoàng, sinh năm 1991 và Phạm Hồng Khánh, sinh năm 1994 lớn lên bên ánh lửa lò nung, cái nghề đồ đất đã ngấm sâu vào máu thịt của các bạn trẻ này. Tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng là lúc hai anh em có tay nghề khá vững về tạo hình cùng nhiều kỹ thuật khó. Đây cũng là lúc tình yêu với gốm đủ “chín” và hai anh em quyết định xin bố mẹ cho dừng việc học văn hóa, ở nhà chuyên tâm làm nghề. Được dành trọn thời gian ở xưởng sản xuất của gia đình, Hoàng, Khánh thỏa sức sáng tạo và trau chuốt những “đứa con” tinh thần của mình. Bằng đam mê và tài năng thiên bẩm với nghề, hai anh em học hết các kỹ năng của bậc cha chú trong gia đình, nhưng để có được thành công như hôm nay, cũng trải qua không ít thất bại. Khánh chia sẻ: “Rất nhiều lần em và anh Hoàng phải làm lại sản phẩm mà mình tâm huyết, bởi nghệ thuật làm thủ công đòi hỏi nhiều yếu tố như thời tiết, kỹ thuật vuốt, nặn, tạo màu men, kỹ thuật nung... Do xưởng còn nhỏ, lò nhỏ chưa có điều kiện đầu tư lớn, nên nhiều lúc tụi em bị áp lực về kinh tế. Lấy chất lượng làm đầu, lợi nhuận không nhiều, nhưng chúng em luôn có niềm tin và được sự ủng hộ của gia đình nên từng bước vượt qua mọi khó khăn”.
Hiện tại, Hoàng, Khánh sở hữu hai xưởng sản xuất gần 4.000m2, tạo việc làm cho 30-50 lao động, trung bình mỗi tháng đốt 3 lò đưa ra thị trường gần 6.000 sản phẩm các loại, tổng doanh thu hơn 3 tỉ đồng/tháng. Hoàng có lợi thế chuyên sản xuất bình hoa đủ kích cỡ phân phối cho các tỉnh thành phía Nam. Ngoài ra, làm theo đơn đặt hàng của các nhà vườn trồng đào, quất ở Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương. Còn  Khánh chuyên đồ tín ngưỡng như tiểu, quách và các loại tranh, đèn gốm mỹ nghệ. Hai anh em luôn tương trợ nhau từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Qua hơn 10 năm lành nghề, hai anh em rút ra được kinh nghiệm: Kỹ thuật đốt lò là điều kiện quan trọng quyết định mẻ gốm đó thành công hay thất bại. Muốn gốm chín đều, không bị cong vênh, nứt vỡ người đứng lò phải căn giờ, tiếp củi sao cho lửa cháy đều. Đau đáu với nghề, hai anh em Hoàng, Khánh luôn ý thức trách nhiệm gìn giữ, tìm tòi, nỗ lực học hỏi, sáng tạo để nghề gốm truyền thống của cha ông ngày càng vươn xa.
Theo dòng chảy thời gian, thế hệ trẻ của làng gốm Phù Lãng hôm nay vẫn tiếp bước cha ông và không ngừng sáng tạo. Không chỉ có những thương hiệu của những người trẻ như gốm Năm, gốm Khánh, gốm Hoàng mà nhiều bạn trẻ 9X, 2K của làng gốm Phù Lãng đã, đang bắt nhịp xu thế thị trường, sáng tạo ra những sản phẩm mới mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng và mang đến sức sống mới cho nghề gốm truyền thống.

Hà Linh

Kinh Tế