Nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, tạo động lực phát triển bền vững

05/07/2024 21:56 Số lượt xem: 364
Thực hiện nhất quán đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ, trong những năm qua, Bắc Ninh đã đạt được thành tựu quan trọng: Kinh tế liên tục tăng trưởng cao (bình quân giai đoạn 1997 - 2021 đạt 13,9%/năm). Năm 2023 GRDP bình quân đầu người ước đạt 145,1 triệu đồng/người (tương đương 5.903 USD/người), chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, đô thị.

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung, kinh tế toàn cầu suy thoái, song quy mô công nghiệp tăng, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 48,2% năm 2010 lên 79,3% năm 2020. Đến nay, Bắc Ninh cấp đăng ký đầu tư cho 2.347 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt hơn 27,673 tỷ USD… Khoa học công nghệ từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội; hiệu quả hoạt động được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo; tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hiện có hàng trăm doanh nghiệp là nhà cung ứng cho các tập đoàn: Samsung, Canon, Foxconn…

 

Trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp nội địa cung ứng cho Tập đoàn Samsung.


Giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh triển khai ứng dụng hơn 150 đề tài KHCN, tổ chức cuộc thi “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2022 có 56 ý tưởng, mô hình dự án. Trong đó có nhiều đề tài, dự án góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất và đời sống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng bền vững. Các giải pháp công nghệ thông tin, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN, ISO giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và từng bước hiện đại hóa các cơ quan hành chính nhà nước. Toàn tỉnh hình thành hàng trăm trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng; vùng rau màu chuyên canh; vùng sản xuất cây ăn quả; 25 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP; 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính … cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, khoa học công nghệ chưa thực hiện đầy đủ vai trò “quốc sách hàng đầu”, chưa là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất. Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế. Trong khi đó, trên thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số, đang phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra không ít thách thức với tất cả các nền kinh tế.
Để chủ động phát triển, thoát khỏi sự tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ và nền công nghiệp phụ thuộc, gia công, lắp ráp, Bắc Ninh xây dựng Kế hoạch thực hiện Kết luận số 69-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa Bắc Ninh trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng các yêu cầu cơ bản theo hướng hiện đại.
Để triển khai thực hiện kế hoạch, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tập trung nâng trình độ phát triển KHCN nhằm phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Xây dựng được nền tảng khoa học tự nhiên hiện đại cho khoa học và công nghệ nói chung; làm chủ, ứng dụng và phát triển các công nghệ có ảnh hưởng quyết định đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao. Phấn đấu, đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân đạt trên 50%. Phát triển các tổ chức, tập thể khoa học và công nghệ mạnh, các nhà khoa học đầu ngành. Số nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 15 người trên một vạn dân; tăng nhanh số lượng các công trình và số lượng các sáng chế được bảo hộ trong nước và ở nước ngoài. Phát triển mạnh các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường tạo ra giá trị gia tăng tối ưu đối với các sản phẩm, hàng hóa chủ lực; đẩy mạnh hợp tác, tham gia liên kết chặt chẽ và hiệu quả vào các chuỗi cung ứng; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng phát triển đa dạng, bền vững gắn với hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Thái Uyên

Khoa học - Công nghệ