Tạo niềm tin, sức bật mới trong học và làm theo Bác

05/07/2024 21:41 Số lượt xem: 266
Đảng bộ huyện Yên Phong luôn xác định lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng. Theo đó, Đảng bộ đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là triển khai các nội dung mang tính đột phá, thiết thực.

Xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội đã trở thành “thương hiệu” đối với LLVT huyện Yên Phong.

 

Đảng bộ huyện Yên Phong hiện có 48 tổ chức Đảng, trong đó 17 đảng bộ, 31 chi bộ, 163 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở với hơn 5.000 đảng viên. Trong những năm qua, việc học và làm theo Bác đã lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng tới các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Từ đó xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Yên Phong thực hiện các nội dung Kết luận số 01 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành, cụ thể hóa thành nhiều phong trào phù hợp, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia, đạt nhiều kết quả tích cực. Thượng tá Kiều Văn Hưng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Yên Phong cho biết: Để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt hiệu quả, ngoài triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ, Đảng ủy, Ban CHQS huyện luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ xác định rõ ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và thấm nhuần phương châm “Gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân”. Từ năm 2020 đến nay, Ban CHQS huyện chủ trì phối hợp xây dựng được 4 ngôi nhà Nghĩa tình đồng đội cho Thương binh Nguyễn Văn Căng ở xã Hoà Tiến, Bệnh binh Trần Thị Hoàn ở xã Thuỵ Hoà và lão thành cách mạng Phạm Quý, ở thôn Phù Cầm, bà Đặng Thị Sáng, là mẹ Liệt sỹ Đặng Văn Hiền ở thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt với tổng kinh phí đóng góp gần 300 triệu đồng. Ngoài ra, LLVT huyện còn tích cực chung sức xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh...
Đảng bộ xã Tam Giang đẩy mạnh việc học và làm theo Bác gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở, từng bước tạo dựng lòng tin trong nhân dân, góp phần giảm tình hình phức tạp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bí thư Đảng ủy xã Tam Giang Ngô Quý Tùng cho biết: “Căn cứ chuyên đề học tập và làm theo Bác hằng năm, Ban Thường vụ Đảng ủy xã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công chức đăng ký các phần việc làm theo Bác gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Năm 2024, Đảng ủy xã tiếp tục xây dựng chuyên đề học Bác về  “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững”. Từ khi triển khai, đội ngũ cán bộ, công chức luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, liêm chính; có phương pháp làm việc khoa học, chủ động, sáng tạo trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao”.
Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa, vai trò quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, sau khi Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị được ban hành, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên phong chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn, xem đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng và của từng cơ quan, đơn vị tại địa phương. Năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chọn 2 vấn đề trọng tâm, bức xúc đó là giải quyết những vụ, việc tồn đọng lấn chiếm về đất đai trên địa bàn huyện; vấn đề về môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư tập trung và 3 nội dung khâu đột phá là đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, sớm khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư ở khu vực còn nhiều khó khăn. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành ngang tầm nhiệm vụ, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ.
Thực hiện công tác cải cách hành chính, từ đầu năm đến nay, Trung tâm hành chính công huyện Yên Phong tiếp nhận 4.468 hồ sơ của công dân đến thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết sớm và đúng hạn 4.315 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,58%; hiện nay có 89/276 thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện theo cơ chế “5 tại chỗ”; liên thông cùng cấp huyện có 6 nhóm thủ tục hành chính liên thông với 16 thủ tục hành chính; liên thông giữa các cấp chính quyền có 6 nhóm thủ tục hành chính với 56 thủ tục hành chính, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, tư pháp, bảo hiểm xã hội và lao động, thương binh và xã hội… Qua đó, góp phần giảm phiền hà và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân đến giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Cùng với đó, huyện đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý huyện và cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 và quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2025 - 2030. Rà soát về trình độ, năng lực, tiêu chuẩn, phẩm chất của cán bộ và nhu cầu về công tác cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để có kế hoạch đào tạo, luân chuyển, điều động cán bộ nhằm phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý huyện trong giai đoạn tiếp theo.
Với nỗ lực cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 huyện Yên Phong đã thu được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực: Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất luôn ổn định và có bước tăng trưởng; cơ cấu giá trị sản xuất dịch chuyển theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,87%. Thị trấn Chờ được công nhận là đô thị loại IV. Hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế có chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Phong Nguyễn Văn Ngọc, việc thực hiện Kết luận số 01 đã và đang lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, tạo niềm tin, sức bật mới động viên các tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tạo động lực quan trọng để huyện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Xuân Bình

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh