Đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp xây dựng Nông thôn mới

03/07/2024 20:42 Số lượt xem: 644
Ban Kinh tế - Ngân sách vừa tiến hành khảo sát tại huyện Yên Phong, Gia Bình và Sở Nông nghiệp và PTNT về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.

Những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân chung tay xây dựng NTM. Quan tâm kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng NTM, kịp thời chỉ ra khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm thực hiện Chương trình theo đúng kế hoạch. Nguồn vốn, nguồn lực đầu tư xây dựng NTM được các địa phương sử dụng đúng mục đích, đối tượng, công khai minh bạch, đạt hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định; hoạt động văn hóa, thể thao phát triển cả về số lượng và chất lượng; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

 

Diện mạo Nông thôn mới xã An Thịnh, huyện Lương Tài.


Đến nay, theo bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 6/6 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó, 4 xã chuyển lên thành phường). Theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022-2025, đến nay bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM là 15,62 tiêu chí/xã, trong đó có 9/70 xã đạt 19 tiêu chí xã NTM; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao là 13,5 tiêu chí/xã, trong đó có 4/70 xã đạt tiêu chí xã NTM nâng cao.
Tuy nhiên, việc thực hiện xây dựng NTM còn một số khó khăn, hạn chế: Chưa có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, năng lực mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nhu cầu đầu tư, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh là rất lớn trong khi nguồn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, việc cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế; chưa có chính sách về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về NTM; trên địa bàn tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề thu hút nhiều lao động từ địa phương khác đến lao động, cư trú, do đó kết cấu hạ tầng nông thôn mặc dù được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về các lĩnh vực y tế, trường học, vệ sinh môi trường nông thôn và công tác an ninh trật tự…
Để Chương trình xây dựng NTM tiếp tục đổi mới và thực hiện hiệu quả, Ban Kinh tế - Ngân sách đề xuất với các cấp, ngành một số nhiệm vụ: Cần xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu, đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các điển hình tiên tiến, phương pháp hay, sáng kiến, sáng tạo về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hoàn thiện, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt là cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn lực; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trong xây dựng NTM.
Ban kiến nghị, đề nghị với UBND tỉnh: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất ban hành cơ chế, chính sách về phân bổ, sử dụng nguồn lực; chỉ đạo, rà soát các quy hoạch mới trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy hoạch NTM; tăng cường chỉ đạo, tập trung vào một số tiêu chí còn chưa bền vững như chỉ tiêu về môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, trường học, tổ chức sản xuất… Đề nghị các huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng NTM và các phòng ban chuyên môn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được phân công; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các lĩnh vực phụ trách; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đạt thấp. Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới NTM; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn đóng góp của nhân dân. Các sở, ngành chuyên môn chỉ đạo, hướng dẫn và tư vấn cho các xã trong lựa chọn mô hình liên kết sản xuất phù hợp với từng địa phương. Đảng ủy, chính quyền các xã cần có giải pháp trong điều hành, giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Chương trình…

Phương Mai

HĐND tỉnh