Nhớ lời kêu gọi “sẻ cơm nhường áo” của Bác Hồ

27/09/2024 16:54 Số lượt xem: 108
Cách nay vừa tròn 79 năm, ngày 28-9-1945, Bác Hồ viết thư kêu gọi “Sẻ cơm nhường áo” đăng trên Tờ Cứu quốc để cứu dân nghèo. Đây là thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, nước ta trở thành một nước độc lập. Tuy nhiên, chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta ra đời trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” vừa “thù trong, giặc ngoài”, vừa nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đói nghèo cũng là một thứ giặc nguy hiểm như giặc dốt và giặc ngoại xâm. Bởi vậy, Người đã viết thư kêu gọi đồng bào toàn quốc chung tay góp sức, sẻ cơm nhường áo để cứu dân nghèo và lo cho cuộc sống của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (năm 1954). Ảnh minh họa

 

Trong bức thư, Bác viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng”. Với tấm lòng yêu thương dân, Bác Hồ kêu gọi: “Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Lời kêu gọi của Người đã nhanh chóng được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Trước khi đong gạo bỏ nồi nấu cơm, mỗi gia đình lấy ra một nắm bỏ vào trong hũ, trong vại, “tích tiểu thành đại”, rồi mang biếu tặng người thiếu đói. Lương thực từ những “Hũ gạo tình thương”, “Hũ gạo kháng chiến”... không chỉ được đem cứu giúp người nghèo, mà còn để góp phần nuôi quân đánh giặc.
Song song với công tác lạc quyên cứu đói, chính quyền cách mạng còn phát động phong trào tăng gia sản xuất để giải quyết nạn đói tận gốc. Kết quả sản lượng hoa màu đã tăng gấp bốn lần so với thời kỳ Pháp thuộc. Chỉ trong 5 tháng, từ tháng 11-1945 đến tháng 5-1946 đã đạt 614.000 tấn, quy ra thóc là 506.000 tấn, hoàn toàn có thể bù đắp được số thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Bằng chứng rõ nhất là dân không đói, giá thóc gạo không tăng mà lại giảm. Giặc đói đã bị đánh lui.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, cụ thể hóa trong Hiến pháp, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm; thể hiện trong từng chế độ, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong gần 40 năm đổi mới đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Ngày nay đất nước đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, ngày càng ấm no hạnh phúc, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo. Tuy nhiên, một bộ phận đồng bào vẫn còn rất khó khăn, nhất là hộ nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, phong trào “Hũ gạo tình thương” được Bác Hồ phát động ngày nào nay được phát triển dưới nhiều hình thức đa dạng và sáng tạo ở nhiều địa phương trong cả nước, thể hiện truyền thống đoàn kết nhân ái, đùm bọc nhau của dân tộc ta. Rất nhiều phong trào do các đoàn thể và tổ chức xã hội phát động đang thiết thực giúp đỡ bao gia đình hoàn cảnh khó khăn vươn lên xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Đặc biệt là phong trào cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo các cấp… đã phát triển sâu rộng trong cả nước, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, góp phần đắc lực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững của đất nước. Cùng với các phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo hay các mô hình như xây nhà tình thương; mở lớp học tình thương; bỏ tiền vào thùng tiết kiệm hay “con heo đất”; tổ chức bữa cơm từ thiện cho người bệnh nghèo...  đã ngày càng phát triển rộng khắp với nhiều hình thức sáng tạo, đa dạng hay các chương trình xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh được các cấp, ngành, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp… triển khai tích cực và hiệu quả đã không ngừng lan tỏa và phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái tốt đẹp của dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức, đồng lòng dựng xây quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.

L.T (t/h)

Giao thông - Xây dựng