Khơi thông điểm nghẽn, quyết liệt triển khai các dự án giao thông trọng điểm

18/08/2023 18:00 Số lượt xem: 932
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Cả nước có 25 dự án với 75 dự án thành phần thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo đều gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB; vật liệu xây dựng và các thủ tục hành chính rườm rà… Trên tinh thần vượt khó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khơi thông mọi điểm nghẽn, quyết tâm, quyết liệt triển khai các dự án giao thông trọng điểm, tạo động lực đưa đất nước phát triển ở tầm cao mới.

Hiện nay, hầu hết các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang gặp trở ngại về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đây là điểm nghẽn lớn ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, nhất là khâu thu hồi diện tích đất ở, di dời mồ mả và hạ tầng kỹ thuật… Khó khăn thứ hai chính là việc khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ các dự án, bởi khối lượng quá lớn, trong khi nhiều mỏ khai thác không được cấp phép, hoặc đã hết hạn, không nằm trong quy hoạch, khoảng cách vận chuyển xa, chi phí vận chuyển lớn... Trong khi đó, công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư tại một số dự án còn chậm…, là những rào cản khiến hầu hết các công trình giao thông trọng điểm quốc gia chậm tiến độ.
Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quốc gia, trọng điểm ngành giao thông thường xuyên tổ chức các phiên họp để chung tay cùng các địa phương có dự án đi qua kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc theo phương châm “biến cái không thể thành có thể, biến khó thành dễ”. Phương châm chung là phải huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu ở các bộ, ngành, địa phương đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong việc tuyên truyền, vận động, trực tiếp trao đổi, lắng nghe ý kiến nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; ưu tiên khu tái định cư mới phải tốt hơn hoặc ít nhất phải bằng nơi ở cũ. Về vật liệu xây dựng thông thường, các địa phương nằm trong diện khảo sát có mỏ vật liệu phải triển khai thủ tục cấp mỏ, nâng công suất mỏ vật liệu một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công, bảo đảm thực hiện theo đúng chỉ đạo, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc cấp mỏ sai quy định. Đồng thời yêu cầu thực hiện các thủ tục trong công tác chuẩn bị đầu tư theo phương châm đơn giản, nhanh nhất, không để ách tắc, gắn trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, không trông chờ, đùn đẩy, né tránh những việc thuộc thẩm quyền trách nhiệm được giao. Trong quá trình triển khai thi công, phải tổ chức “3 ca 4 kíp” để bảo đảm tiến độ các dự án.
Bắc Ninh có dự án đường Vành đai 4-Vùng thủ đô Hà Nội đi qua, đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dự án. Song đến nay tiến độ dự án còn chậm do vướng mắc trong GPMB; thủ tục đầu tư và khó khăn trong khai thác mỏ cung cấp vật liệu xây dựng. Cùng với việc kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tạo điều kiện rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đối với dự án thành phần 1.3 và 2.3; xác định cụ thể các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án... Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu cơ quan thường trực là Sở Giao thông vận tải, các Tổ giúp việc, địa phương nghiêm túc khắc phục mọi khó khăn, bám sát tiến độ công việc, báo cáo kịp thời tiến độ, đề xuất, kiến nghị để cùng tháo gỡ. Quyết tâm khởi công dự án trong tháng 9 và giải pháp mặt bằng xong các hạng mục trước ngày 31-12-2023 theo đúng cam kết với Chính phủ, nhằm đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu dự án đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và cả vùng thủ đô Hà Nội.

HOÀI ANH

Giao thông - Xây dựng