Đẩy nhanh thu nộp vốn đối ứng nước sạch nông thôn

06/10/2024 21:59 Số lượt xem: 209
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang quản lý, vận hành 17 trạm, cụm nước sạch tập trung, cung cấp nước sinh hoạt cho gần 78.000 hộ, đạt tỷ lệ xấp xỉ 80% dân số khu vực nông thôn. Để đầu tư xây dựng các công trình nước sạch từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), theo cam kết người dân sẽ phải đóng góp 10% giá trị công trình phục vụ đấu nối cấp nước đến từng hộ. Tuy nhiên, việc triển khai thu, nộp giá trị đối ứng tại nhiều địa phương đang gặp không ít khó khăn.

 


Theo ông Nguyễn Hữu Thung, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh: Căn cứ quy định trong quá trình đầu tư, xây dựng, người dân hưởng lợi từ công trình phải đối ứng 20% kinh phí (đối với các dự án khởi công trước năm 2010), 10% kinh phí (đối với các dự án khởi công từ năm 2010 trở lại đây) để lắp đặt cụm đồng hồ, còn lại do Ngân hàng WB hỗ trợ và cho vay. Theo đó, tổng giá trị đối ứng của người dân tại 29 xã, phường xấp xỉ 40,3 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ thu nộp nguồn vốn đối ứng của người dân, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các địa phương, đến nay 100% số xã có dự án tiến hành thu nộp về Trung tâm hơn 28,3 tỷ đồng,  đạt tỷ lệ xấp xỉ 70% tổng giá trị; một số địa phương đã thu nhưng chưa nộp về Trung tâm số tiền hơn 3,5 tỷ đồng.
Trạm Nước sạch Phù Lãng (thị xã Quế Võ) do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2014, cấp nước ổn định từ năm 2015 cho gần 2.000 hộ dân, đạt tỷ lệ 80% số hộ. Mỗi hộ dân được hưởng lợi từ công trình nước sạch của xã phải thực hiện đóng góp 700.000 đồng/hộ lắp đặt đồng hồ, số tiền thực hiện đối ứng còn lại là 1.400.000 đồng/hộ do ngân sách hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Trạm trưởng Trạm nước sạch Phù Lãng cho biết: “Số tiền người dân phải nộp đối ứng là 1,379.7 tỷ đồng, sau gần 10 năm triển khai thu, toàn xã mới nộp về Trung tâm được 647,5 triệu đồng, số tiền còn lại 732,2 triệu đồng. Mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần nhưng đến nay chưa hoàn thành. Nguyên nhân do nhiều hộ chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu, nghĩa vụ đóng góp xây dựng công trình. UBND xã nỗ lực triển khai nhiệm vụ thu vốn đối ứng của người dân để nộp cho đơn vị chủ đầu tư, phấn đấu thu đối ứng trong thời gian sớm nhất.
Mặc dù đạt kết quả tích cực, song việc thu nộp đối ứng các công trình nước sạch nông thôn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế: Ngoài 2 địa phương là thị xã Thuận Thành và thành phố Từ Sơn đạt 100% số tiền đối ứng, nhiều địa phương đạt tỷ lệ thu nộp 70-80%, trung bình các xã của huyện Yên Phong đạt tỷ lệ 25,5%. Nguyên nhân dẫn đến khó khăn trên chủ yếu do người dân nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của nước sạch còn hạn chế; chính quyền một số địa phương chưa tích cực, quyết liệt trong quá trình thu nộp, thậm chí có tư tưởng Nhà nước phải đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng công trình nước sạch cho người dân.
Thời gian tới, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân; tiếp tục đấu nối cho các hộ dân đã đăng ký lắp đặt để khai thác tốt công suất của nhà máy; đôn đốc người dân thực hiện nghiêm nghĩa vụ đối ứng, kiên quyết tháo gỡ công tơ, chấm dứt hợp đồng cung cấp nước sạch đối với các hộ cố tình không chấp hành quy định về đóng góp kinh phí đối ứng.

Nguyễn Tuấn

Giáo dục - Đào tạo