Thảo luận phiên toàn thể về tình hình kinh tế- xã hội

04/11/2024 19:09 Số lượt xem: 207
Ngày 4-11, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể tại hội trường.

 

Đại biểu cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2025; đề nghị phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn điểm nghẽn, tiếp tục bảo vệ kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chủ động phòng, chống, ứng phó với các rủi ro, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, điều tiết tốt thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án về đất đai; kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước; bảo đảm nguồn cung xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng cơn bão số 3… Đồng thời thống nhất với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chủ trương điều chỉnh quy hoạch đất quốc gia và tham gia thêm một số ý kiến để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành các luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và sử dụng đất.

 Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận toàn thể, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc.

Để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng mới, đại biểu Trần Thị Vân đề xuất 4 giải pháp: Thứ nhất, xác định rõ 1 trong 3 “đột phá chiến lược” đóng vai trò “chìa khóa” của phát triển để thực hiện mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, đó chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh tế tri thức. Đây là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn dân số vàng, chúng ta cần tránh rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Vì vậy, cần khuyến khích doanh nghiệp đào tạo nâng cao trình độ lao động; cơ sở đào tạo chuyên nghiệp “đặt hàng” các doanh nghiệp lớn; tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng các ưu đãi về thuế, tiếp cận nguồn, chi phí đào tạo, bù lương cho nhân viên tham gia đào tạo, khấu trừ một phần chi phí doanh nghiệp trong năm tài chính cho đào tạo như kinh nghiệm của Đức và Tây Ban Nha nhằm tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của nguồn nhân lực trẻ, dồi dào… 

Thứ hai, quan tâm, đầu tư mạnh mẽ phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics. Đây là mắt xích quan trọng tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Cần tháo gỡ cho doanh nghiệp logistics nội địa (hiện chiếm 89% về số lượng nhưng chỉ chiếm 30% thị phần) thông qua việc hoàn thiện đồng bộ 3 chân kiềng là hạ tầng, nhân lực và cơ chế; ưu tiên thu hút đầu tư tư nhân, hỗ trợ logistics xanh và công nghệ

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống giám sát, xử lý hành vi vi phạm, tạo môi trường cạnh tranh tin cậy, công bằng và minh bạch.

Thứ tư, đề nghị sửa Nghị định 02/2017/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo hướng: Nâng mức hỗ trợ thiệt hại phù hợp; Bổ sung đối tượng hỗ trợ phù hợp như nhà màng, nhà lưới; Cắt giảm tối đa trình tự thủ tục hành chính, đảm bảo người dân có thể khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất.

Sau 1 ngày thảo luận có 59 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tham gia tranh luận; 3 Bộ trưởng gồm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giải trình nhiều vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa vào các nội dung quan trọng, cần thiết của các Nghị quyết Quốc hội gửi ĐBQH cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thái Uyên

Chính trị