Quân và dân phải luôn luôn đoàn kết nhất trí

01/12/2023 09:56 Số lượt xem: 751
“Bộ đội phải kính trọng dân, giúp đỡ dân. Dân phải thương yêu bộ đội, ủng hộ bộ đội. Quân và dân phải luôn luôn đoàn kết nhất trí”. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong thư “Gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ Đường số 4 cùng dân quân du kích và đồng bào trong miền Đường số 4”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1411, ra ngày 2-12-1949, cách nay vừa tròn 74 năm.

Là người trực tiếp tổ chức thành lập, giáo dục và rèn luyện quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng quân đội trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Trong đó, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết quân dân luôn được Người quan tâm đặc biệt, thường xuyên nhắc nhở, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Lời căn dặn của Bác ngắn gọn nhưng sâu sắc, là sự nhắc nhở ân cần về trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của quân đội đối với nhân dân.
Thấm nhuần lời căn dặn của Người, hơn 70 năm qua, những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã kế tiếp chăm lo xây dựng, giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp, đoàn kết quân dân; gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng thương yêu dân, quý trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân; ngược lại, nhân dân cũng hết lòng yêu thương, đùm bọc, chăm sóc, giúp đỡ quân đội. Trong thời chiến cũng như thời bình, trong khó khăn cũng như hoạn nạn, mối quan hệ quân dân “cá - nước”, đoàn kết gắn bó keo sơn đã phát huy được sức mạnh hiệu quả, làm cho tình đoàn kết giữa nhân dân và quân đội ngày càng thêm bền vững.

 

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân giải phóng tiến vào thành phố ngày 30-4-1975.            Ảnh tư liệu


Cụ thể, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”, Quân đội nhân dân được sự ủng hộ, giúp đỡ, sát cánh chiến đấu, phục vụ chiến đấu của nhân dân, nên càng đánh càng mạnh, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng chục vạn dân công đã xẻ núi, san đồi, bảo đảm giao thông; đồng thời, tiến hành vận chuyển khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến dịch bằng xe đạp thồ, mảng nứa, xe thô sơ, ngựa thồ... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng một cách sáng tạo, với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện đất nước tạm thời bị chia làm hai miền. Ở miền Bắc, đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”... Hàng nghìn, hàng vạn những người mẹ, người chị không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, thậm chí có thể hy sinh tính mạng để nuôi giấu bộ đội, làm giao liên, y tá… Đó là những hình ảnh sáng đẹp về tình cảm quân dân, là cuội nguồn sức mạnh để cả nước đánh đuổi đế quốc thực dân, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân vẫn luôn là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân thương yêu, mến phục. Thực hiện tốt lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn có ý thức sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm đối với nhân dân; không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua rèn luyện phẩm chất cao đẹp “Bộ đội cụ Hồ” trong thời kỳ mới; tích cực giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới; đặc biệt cán bộ, chiến sĩ quân đội đã có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất để ứng phó với thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân... làm ngời sáng thêm bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân, được nhân dân tin yêu, quý mến và góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguyên Phương (t.h)

Chính trị