Nâng cao chất lượng giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
Để nắm tình hình chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, Ban tổ chức một số cuộc giám sát chuyên đề, qua đó kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục. Nội dung giám sát về việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng giám sát, khảo sát trực tiếp một số vụ việc nổi cộm, tồn đọng, kéo dài. Các cuộc giám sát được chuẩn bị chu đáo từ việc tham mưu xây dựng, ban hành kế hoạch giám sát, thu thập thông tin, tài liệu, chuẩn bị hồ sơ vụ việc. Phương thức giám sát từng bước đổi mới, chất lượng giám sát ngày càng được nâng lên và có hiệu quả. Tại các buổi giám sát, các thành viên Đoàn giám sát tích cực trao đổi, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và được đơn vị tiếp thu, hứa sớm khắc phục trong thời gian tới.
Các cuộc giám sát đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, đã lựa chọn các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và đơn thư tồn đọng, kéo dài, vượt cấp nhiều để thực hiện hoạt động giám sát trực tiếp. Kết thúc giám sát Ban Pháp chế đã tổng hợp, đánh giá và ban hành Báo cáo kết quả giám sát, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đồng thời kiến nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và thực hiện dứt điểm các quyết định, kết luận sau thanh tra, các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh thực hiện hoạt động giám sát qua hội nghị thẩm tra.
Ban tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh để nắm bắt thông tin và tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tham gia ý kiến, kiến nghị trong việc xử lý các vụ việc. Đồng thời, qua đó giám sát việc tiếp nhận, giải quyết của UBND các cấp và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật. Các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND tỉnh thời gian qua đã được Thường trực HĐND chỉ đạo xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giám sát về giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hoạt động giám sát đôi lúc còn chưa sâu sát, chưa nắm chắc về thực chất, chưa nắm bắt hết được những tồn tại, hạn chế trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; công tác giám sát các vụ việc cụ thể từ các nguồn thông tin và qua đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân chưa nhiều. Sau giám sát còn thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị nên một số cơ quan hữu quan chưa thực hiện nghiêm túc và kịp thời.
Để nâng cao chất lượng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ban Pháp chế xác định phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến; gắn với từng bước thực hiện công khai hóa kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên cổng thông tin điện tử, giúp nhân dân nắm bắt, theo dõi, giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng. Trong giám sát chuyên đề về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân theo quy định cần tập trung lựa chọn vấn đề chưa được giải quyết, hoặc đã được giải quyết nhưng chưa dứt điểm và những kiến nghị UBND và các cơ quan liên quan đã hứa sẽ giải quyết trong thời gian nhất định để giám sát; lựa chọn thành phần tham gia các đoàn giám sát có trình độ chuyên môn sâu về những nội dung khiếu nại, tố cáo. Kế hoạch, đề cương giám sát cần phải chủ động xây dựng sớm gửi đến cơ quan chức năng để cơ quan, đơn vị nắm rõ chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn giám sát. Báo cáo kết quả giám sát phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng, đánh giá được những ưu điểm, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân của từng vụ việc cụ thể, từ đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp tục giải quyết.
Bên cạnh đó, việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao các kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử, đặc biệt là kỹ năng giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh nói chung và Ban Pháp chế nói riêng.