Năm 2023, tỉnh Bắc Ninh giảm 32 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017

05/04/2024 17:49 Số lượt xem: 593
Chiều 5-4, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Trần Thị Vân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng Đoàn tiến hành giám sát đối với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), giai đoạn 2018-2023.

Tham dự Đoàn giám sát có bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy Ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đồng chí Trần Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện các Ban của HĐND tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng.

Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ luôn bám sát các nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh ủy để quán triệt, tuyên truyền, kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL với quyết tâm cao, chủ động thực hiện có trọng tâm trọng điểm, có lộ trình phù hợp, đảm bảo tiến độ đề ra. Nhiều quy định, quy chế, hướng dẫn về công tác tổ chức cán bộ được sửa đổi, bổ sung, ban hành đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tổ chức bộ máy từ cấp tỉnh đến cơ sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối; chức năng, nhiệm vụ được rà soát, điều chỉnh đảm bảo hợp lý, khắc phục được tình trạng trùng lắp, chồng chéo. Hiệu quả hoạt động của các đơn vị được nâng lên, từng bước thực hiện tự chủ về tài chính, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương. Tỉnh hoàn thành Kế hoạch tinh giản biên chế tại các ĐVSNCL theo quy định. Từng bước phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị làm cơ sở thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và việc quản lý, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển viên chức.

 

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân kết luận giám sát

 

Đến ngày 31-12-2023, toàn tỉnh có 571 ĐVSNCL, giảm 52 đơn vị so với năm 2015, giảm 32 đơn vị so với năm 2017. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tại thời điểm 31-12-2015, tỉnh có 623 ĐVSNCL, trong đó 19 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 85 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 519 đơn vị do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Đến 31-12-2023, toàn tỉnh có 571 ĐVSNCL, gồm 4 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 32 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 36 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và 499 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.

Giai đoạn 2016-2021 toàn tỉnh cắt giảm 10,22% biên chế công chức, 10,05% biên chế viên chức, 10% hợp đồng lao động theo Nghị định 68; tiếp tục thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21-2-2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 40-KL/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị và Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 6-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đảm bảo lộ trình đến năm 2026, tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với số giao năm 2021.

 

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thị Hằng phát biểu tại buổi làm việc

 

UBND tỉnh chỉ ra một số hạn chế: Hiệu quả hoạt động của một số ĐVSNCL chưa cao, việc chuyển đổi sang mô hình đơn vị tự chủ về chi thường xuyên hoặc tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư chưa nhiều; xã hội hoá trên một số lĩnh vực nhằm giảm đầu tư của Nhà nước còn chậm. Số người thực hiện chính sách tinh giản biên chế chủ yếu tập trung những người ở độ tuổi sắp nghỉ hưu; thực hiện tinh giản biên chế đối với những người chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước và những người do không đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm còn ít. Việc xây dựng vị trí việc làm chưa đồng bộ, thống nhất, tiến độ triển khai chậm so với mục tiêu đề ra. Việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, xây dựng giá dịch vụ sự nghiệp công lập của một số lĩnh vực chưa được Trung ương hướng dẫn cụ thể làm hạn chế tính tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL. Một số ĐVSNCL khi mở rộng hoạt động dịch vụ còn chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu... Hoạt động liên doanh, liên kết của các ĐVSNCL còn phát sinh những hạn chế nhất định.

Lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các cơ quan chức năng giải trình làm rõ những nội dung Đoàn giám sát quan tâm; nguyên nhân khách quan, chủ quan của những khó khăn, hạn chế trong thực hiện việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh liên quan đến hệ thống chính sách, pháp luật, công tác hướng dẫn thi hành. Đề nghị UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, tiếp tục có những giải pháp cụ thể, đồng bộ để triển khai thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh thời gian tới đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn nữa, đúng tiến độ Kế hoạch đề ra.

Thanh Hương

Chính trị