Gắn kết cộng đồng

17/11/2023 16:48 Số lượt xem: 867
Đã thành thông lệ, từ đầu tháng đến 18 - 11 hằng năm, các khu dân cư trong tỉnh đồng loạt tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11). Ngày hội đã trở thành dịp sinh hoạt chính trị rộng khắp các khu dân cư, là dịp kết nối cộng đồng, gắn kết yêu thương, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngày 1-8-2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04 về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. 20 năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết phù hợp, hiệu quả, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tham mưu tổ chức 16 điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp tỉnh và 40 điểm cấp huyện tại 8 huyện, thị xã, thành phố để rút kinh nghiệm triển khai nhân rộng. Nhờ đó, những năm qua việc tổ chức Ngày hội đi vào nền nếp trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân và các khu dân cư.

 

Tiết mục văn nghệ của Chi hội phụ nữ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu phố Song Tháp, phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn.

 

Năm nay, khu phố Song Tháp, phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chọn làm điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.  Ông Ngô Xuân Hội, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố cho biết: “Để Ngày hội tổ chức thành công, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, cùng với chuẩn bị tốt các nội dung của phần lễ, khu phố phân công các chi hội như Phụ nữ, Cựu chiến binh, Thanh niên, Nông dân chuẩn bị nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ. Đồng thời, thông báo rộng rãi trên loa truyền thanh về thời gian, chương trình tổ chức Ngày hội. Nhờ đó, Ngày hội được tổ chức với phần lễ trọng thể, phần hội với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc ngợi ca quê hương, đất nước và tinh thần đoàn kết toàn dân, thu hút đông đảo nhân dân tham gia”. Năm nay, niềm vui của bà con nhân dân khu phố Song Tháp được nhân lên gấp bội bởi khu phố được chọn tổ chức Ngày hội điểm cấp tỉnh và vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đạt nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đời sống nhân dân được nâng cao, khu phố chỉ còn 5 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. Năm 2023, khu phố có 98% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 8 năm liền khu phố đạt danh hiệu “Khu phố văn hóa”.
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Kiều, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, chúng tôi cảm nhận rõ không khí vui tươi, hồ hởi, phấn khởi hiện hữu trên nét mặt của mỗi người dân. Hơn 7h sáng, bà con về Nhà văn hóa thôn tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đông đủ, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Thôn Kiều có 366 hộ với 1.340 nhân khẩu. Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhân dân trong thôn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, kinh doanh thương mại - dịch vụ, nâng cao đời sống; đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh. Năm 2023, thôn có 96% số hộ đạt Gia đình văn hóa, thôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa. Bà Phạm Thị Dự phấn khởi: “Qua bình xét gia đình tôi đạt Gia đình văn hóa và được thôn biểu dương. Đây là động lực to lớn để các thành viên trong gia đình tiếp tục chấp hành nghiêm  chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc”.
Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11), các khu dân cư trong tỉnh tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với hình thức trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.  Ngày hội được tổ chức đầy đủ cả phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng, cán bộ và nhân dân các khu dân cư ôn lại truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ; báo cáo kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; cùng nhìn nhận, kiểm điểm lại những công việc đã làm được trong năm, những việc còn tồn tại, hạn chế, từ đó, bàn bạc, đề ra các biện pháp khắc phục; ký giao ước thi đua thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gia đình văn hóa, tặng quà hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn… 20 năm qua, tại Ngày hội có hơn 500 tập thể, gần 3.000 hộ gia đình và cá nhân tiêu biểu được khen thưởng, hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà với trị giá hàng trăm triệu đồng.
Phần hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian, bữa cơm đại đoàn kết... được tổ chức sôi nổi tạo không khí vui tươi, hòa thuận thắm đượm tình làng, nghĩa xóm. Đặc biệt, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc còn là dịp để các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp về dự, chung vui với nhân dân, lắng nghe, nắm bắt tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người dân ở cơ sở. Đồng thời, chuyển tải những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Qua đó, tạo sự gắn bó mật thiết, gần gũi, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hóa ở khu dân cư, là diễn đàn dân chủ, phát huy sức mạnh của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng trong xây dựng quê hương. Qua đó, củng cố, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, tạo động lực to lớn cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Mai Phương

Chính trị