Chuyển biến trong xây dựng Chính quyền điện tử, chính quyền số

10/11/2023 18:01 Số lượt xem: 612
Xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số bằng cách ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong công cuộc chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, khách quan và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội. Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh xây dựng, phát triển, từng bước hoàn thiện các hệ thống dùng chung, thông tin chuyên ngành, hạ tầng công nghệ và ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực quản lý nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan nhà nước của tỉnh từng bước được hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Bảo đảm sự kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu,... giữa các cơ quan trong tỉnh với các cơ quan trung ương, địa phương. Các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã được kết nối mạng LAN, internet tốc độ cao, đáp ứng được nhu cầu trao đổi dữ liệu trong nội bộ cơ quan. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và một số cơ quan trung ương đóng tại địa phương được kết nối với hệ thống mạng WAN nội tỉnh tốc độ cao, với 177 điểm kết nối. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện và 90% cán bộ, công chức cấp xã sử dụng máy tính trong công việc. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ dùng chung thống nhất cho toàn tỉnh hoạt động hiệu quả như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử; hệ thống một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với một số bộ, ngành như: Công an, Tư pháp, Giao thông vận tải,... Hệ thống xác thực và cung cấp dữ liệu tập trung được xây dựng và duy trì hoạt động tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, làm cơ sở cho việc xác thực người dân và cung cấp dữ liệu chuyên ngành khi thực hiện các thủ tục hành chính.
 Hiện 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã triển khai việc tạo lập hồ sơ công việc trên Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành (QLVB&ĐH) dùng chung toàn tỉnh có ký số văn bản điện tử đối với lãnh đạo thay cho việc ký văn bản giấy; có 14.838 tài khoản thư điện tử công vụ. 100% cơ quan, đơn vị; 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên được cấp Chứng thư số bảo đảm việc tạo lập hồ sơ công việc và ký số lãnh đạo văn bản điện tử. Ứng dụng họp không giấy tờ đang được thử nghiệm tại các phiên họp của UBND tỉnh; duy trì hoạt động Hệ thống truyền hình hội nghị toàn tỉnh ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã trên mạng truyền số liệu chuyên dùng đáp ứng yêu cầu họp trực tuyến cho UBND các cấp và các sở, ngành, đơn vị trực thuộc toàn tỉnh. Tỷ lệ TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn tỉnh là 96,04%, trong đó tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cấp tỉnh là 58,01%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến cấp huyện là 30,42%.

 

Hướng dẫn công dân lấy số thứ tự vào làm TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.


Người dân tích cực tham gia phản ánh, kiến nghị (PAKN) được gửi tới các cơ quan, đơn vị. Một số phản ánh, kiến nghị đã được xử lý kịp thời, được người dân dư luận hưởng ứng, ghi nhận và đánh giá cao. Kết quả, 9 tháng năm 2023, tổng số PAKN được tiếp nhận là 2137, số PAKN đã xử lý là 1963, tỷ lệ xử lý đạt 91,9%. Về bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng DVC quốc gia: Bắc Ninh xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố. Theo báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bảo trợ, tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về tỉ trọng kinh tế số trên GRDP là 56,83%. Xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2022: Bắc Ninh xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố.
Cùng với những chuyển biến tích cực, vẫn còn một số hạn chế đó là, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn thấp không đáp ứng chỉ tiêu được giao, nhất là ở cấp huyện, cấp xã… Nguyên nhân do thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm của mình trong triển khai chuyển đổi số. Cho rằng việc triển khai chuyển đổi số là trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông, không phải trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, dẫn đến hiệu quả triển khai chuyển đổi số chưa cao. Việc triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro xảy ra chồng chéo với bộ, ngành ở Trung ương, dẫn tới việc chậm hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và không đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số ở quy mô toàn tỉnh. Ngoài ra, nguồn nhân lực triển khai chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở.
Xây dựng và phát triển Chính quyền số, Chính quyền điện tử được coi là thước đo quan trọng đối với kết quả của công tác chuyển đổi số. Để phấn đấu thăng hạng ở bộ chỉ số này, song song với việc khắc phục những hạn chế, Sở TT và TT tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2023. Tổng hợp, xây dựng dự thảo Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2024. Tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTT mạng; đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo quy định.

Thái Uyên - Trung Hiền

Chính trị