Biểu dương mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích.
Tính đến ngày 14-9-2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 9.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng (trong đó có 1.579 người chưa được xóa án tích). Trong những năm qua, Công an tỉnh chủ động tham mưu, phối hợp với các cấp, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 33, Nghị định số 49, Quyết định số 22 bảo đảm theo đúng quy định và đạt được những kết quả tích cực: cấp ủy, chính quyền các địa phương ngày càng quan tâm sâu sát đến công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; nhất là thể hiện được vai trò trách nhiệm trong phối hợp, tổ chức triển khai các biện pháp tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương; một số địa phương có cách làm sáng tạo, xây dựng mới nhiều mô hình, cá nhân điển hình tiên tiến, có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù như tín chấp vay vốn phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm… Kết quả, phần lớn người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức, có ý thức tự vươn lên, xóa bỏ mặc cảm, tích cực tham gia lao động sản xuất ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Hiện có 137 người được vay vốn phát triển kinh tế với số tiền hơn 12 tỷ đồng; toàn tỉnh có 127 mô hình, 81 cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng cùng các đồng chí lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Bộ Công an và Công an tỉnh biểu dương các mô hình, điển hình tiên tiến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng đề nghị trong thời gian tới các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục chú trọng quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33, Nghị định số 49, Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù; tuyên truyền công tác tái hòa nhập cộng đồng bằng nội dung, hình thức phong phú; tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm tạo sự kết nối doanh nghiệp với người chấp hành xong án phạt tù, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm; tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đào tạo nghề, sản xuất, kinh doanh. Giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách để đáp ứng nguồn vốn thực hiện Quyết định 22.
Lãnh đạo Công an tỉnh trao Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh cho các cá nhân có thành tích.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng; có cơ chế khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện học nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Tiếp tục quan tâm xây dựng, phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. UBND cấp xã, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện công tác tiếp nhận, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú ở địa phương. Các cá nhân tiêu biểu tiếp tục phát huy vai trò, tích cực xung kích, đi đầu giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn, với phương châm “cùng nhau làm kinh tế giỏi, cùng nhau chấp hành pháp luật, tránh tái phạm, sớm trở thành người có ích cho xã hội”.
Nhân dịp này, 3 tập thể và 2 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 8 cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen; biểu dương 16 mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng.