“Đòn bẩy” phát triển kinh tế-xã hội

15/03/2024 09:43 Số lượt xem: 340
Những năm gần đây, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở các địa bàn, các cấp, ngành, đa chiều, đa lĩnh vực, tạo sự thuận lợi, hài lòng cho tổ chức, công dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cuối giờ chiều, không khí làm việc tại bộ phận “một cửa” xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du vẫn nghiêm túc, nhiều công dân được cán bộ, công chức hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Không phải ngẫu nhiên bộ phận “một cửa” của xã có số lượng giải quyết TTHC lớn. Vì đây là địa bàn có đông công nhân lao động ngoại tỉnh. Phó Chủ tịch UBND xã Hoàn Sơn Lê Đức Đạo cho biết: “Năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, đã chứng thực điện tử và bản giấy hơn 21.000 bản; chứng thực chữ ký hơn 1.500 bản; tiếp nhận gần 7.000 hồ sơ trên nền tảng dịch vụ công của tỉnh. Trong đó, khoảng 70% là công nhân lao động ngoại tỉnh và các xã trên địa bàn huyện. Để hoạt động CCHC mang lại hiệu quả rõ nét, việc xây dựng nền hành chính phục vụ luôn được Đảng ủy, UBND xã quan tâm sát sao. Đội ngũ cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. TTHC nào người dân không hiểu phải giải thích rõ ràng; thủ tục nào không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn người dân đến nơi khác giải quyết. Toàn bộ mức thu phí, lệ phí, thời gian và kết quả giải quyết TTHC được công khai để tổ chức, cá nhân theo dõi”.

 

Trung tâm Hành chính công tỉnh là đầu mối tập trung tiếp nhận, đôn đốc, giám sát việc giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC liên quan đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.


Xác định công tác CCHC là một trong những khâu đột phá, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, tạo “đòn bẩy” thu hút các nhà đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt công tác này. UBND tỉnh chủ động chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ và xây dựng báo cáo phân tích, ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao các chỉ số CCHC. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai nâng cao chỉ số PAPI và 7 bộ chỉ số về CCHC gắn với chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm thực thi công vụ. Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và nhiều văn bản quy phạm, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai CCHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, toàn tỉnh tiếp tục xác định cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số là giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm chuyển đổi môi trường, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước, tạo công khai, minh bạch và cắt giảm chi phí.
Với nguyên tắc: “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên, các chính sách được ban hành đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Việc chuẩn hóa nội dung công bố TTHC được triển khai kịp thời, có chất lượng. Thời gian giải quyết TTHC được cắt giảm đáng kể, thành phần hồ sơ đơn giản hóa. Cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy tác dụng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác CCHC ngày càng được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai minh bạch. Cùng với đó, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Triển khai thực hiện tốt công tác phân cấp quản lý theo chủ trương của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch và hoạt động có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước có số lượng, cơ cấu hợp lý, trình độ chuyên môn được nâng lên, đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức. Công tác tuyển dụng và giải quyết các chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước, thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Cổng Thông tin điện tử của tỉnh thực hiện tốt việc cập nhật thông tin về hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc tổ chức các cuộc đối thoại, tiếp xúc, trao đổi giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị, góp ý của người dân; nâng cao chất lượng giải trình của các cấp chính quyền với người dân. Công tác thanh tra, kiểm tra về CCHC có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức, cách thức tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2006, chỉ số PCI của Bắc Ninh đứng thứ 22 cả nước, thì trong 3 năm gần đây, Bắc Ninh luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ sổ PCI cao của cả nước. Những nỗ lực trong CCHC là “chìa khoá” mở cánh cửa thu hút đầu tư vào tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 16 KCN tập trung, trong đó 12 KCN đã đi vào hoạt động thu hút hơn 24,2 tỷ USD vốn đầu tư của các doanh nghiệp đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, 2 tháng đầu năm 2024, Bắc Ninh có thêm 78 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng 49 dự án và tăng 169% so với cùng kỳ 2023. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với tỉnh tiếp tục tăng lên.
Thực hiện tốt công tác CCHC của tỉnh sẽ từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, nâng cao uy tín vị thế của tỉnh; đồng thời sẽ góp phần và tạo cơ sở để tỉnh Bắc Ninh thực hiện thành công khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra, góp phần xây dựng Bắc Ninh sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Xuân Bình

Chính trị