Tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế

20/09/2024 14:53 Số lượt xem: 57
Được biết đến là tỉnh công nghiệp song thời gian qua, chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế với việc gia tăng cơ cấu ngành thương mại - dịch vụ (TM-DV) của tỉnh tạo ra bước phát triển vững chắc trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều thách thức. Từ đó, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế, đồng thời hướng đến tăng trưởng bền vững. Với nhiều tiềm năng và lợi thế, lĩnh vực TM-DV trên địa bàn tỉnh thời gian qua tiếp tục thu hút nhiều tập đoàn trong và ngoài nước tạo sự tăng trưởng hài hòa giữa các thành phần kinh tế.

Để kinh tế phát triển cân bằng, cùng với việc thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, Bắc Ninh đồng thời tập trung đẩy mạnh phát triển TM-DV chất lượng cao. Trong đó, tỉnh ưu tiên các ngành dịch vụ hàm lượng chất xám cao, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư tài chính, ngân hàng, công nghệ sáng tạo… Việc thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng TM-DV đã đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Cơ cấu TM-DV trong nền kinh tế tỉnh đang tăng dần đều theo từng năm. Năm 2022, tỷ trọng ngành TM-DV mới chỉ chiếm 17,2% trong cơ cấu kinh tế, nhưng trong năm 2023 nâng lên 20,68% với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh đạt gần 91.360 tỉ đồng.

 

Du lịch là ưu tiên phát triển để gia tăng cơ cấu thương mại dịch vụ của tỉnh

 

Kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, Bắc Ninh đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế, thương mại điện tử, các ngành thâm dụng vốn, kinh tế số, dịch vụ công nghiệp, tài chính ngân hàng. Trên cơ sở những nền tảng ấy, 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh gần 66.524 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 49.440 tỷ đồng, tăng 6,2%; doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống gần 6.155 tỷ đồng, tăng 6,2%; doanh thu dịch vụ đạt gần 10.530 tỷ đồng, tăng 22,6%.

Là một địa bàn có sức tiêu thụ mạnh, phát triển khá đồng đều, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường, đẩy mạnh kết nối giao thương; tranh thủ nguồn lực hợp tác của đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do.

 

Ngành thương mại, bán lẻ theo hướng hiện đại đang phát triển mạnh trên địa bàn thành phố Bắc Ninh

 

Trên đà hướng tới phát triển bền vững, tỉnh đang nỗ lực phát triển thương mại - dịch vụ (TM-DV) nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư thế hệ mới, tạo bứt phá, tương xứng với lợi thế, tiềm năng. Bắc Ninh hiện có 6/8 thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và những địa bàn có nền công nghiệp phát triển mạnh như thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, thị xã Quế Võ, Thuận Thành, huyện Yên Phong, Tiên Du có rất nhiều tiềm năng, cần có bước đột phá mới để TM-DV phát triển bền vững.

Trong Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định mục tiêu: Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, nâng cao chất lượng và tăng năng lực cạnh tranh với các tỉnh ĐBSH. Phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhanh, bền vững. Mạng lưới thương mại của Bắc Ninh phát triển nhanh với sự tham gia của các thành phần; đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu và ổn định giá cả thị trường; phát triển thương mại gắn kết với hoạt động sản xuất, hoạt động đầu tư để tạo sự phát triển đồng đều về kinh tế xã hội.

 

Logistics cũng được tỉnh Bắc Ninh chú trọng phát triển trong thời gian tới

 

Cùng với đó, định hướng sự phát triển và quan tâm đầu tư đúng mức với ngành, cụ thể là ngành dịch vụ Công nghệ thông tin, ngành thương mại và các dịch vụ chuyên nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh khác trong tỉnh, là rất quan trọng, là giải pháp phát triển cần thiết cho ngành dịch vụ nói chung. Tập trung vào một số ngành chính là Du lịch, thương mại và logistics. Trong đó, ưu tiêu các nguồn lực phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển theo hướng xanh, bền vững, đáp ứng tốt nhất nhu cầu giải trí ngày càng cao của người dân địa phương, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch; đồng thời dựa vào dân để giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng mạng lưới buôn bán lẻ, tập trung thu hút các phân khúc bán lẻ có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế. Gắn kết phát triển thương mại với du lịch, kế hợp các hoạt động mua bán hàng hóa với hoạt động du lịch giải trí, tạo điều kiện phát triển đồng đều cho tỉnh, đồng thời cải thiện điều kiện sống của của người dân vùng tỉnh và cung cấp các dịch vụ và sản phẩm hấp dẫn liên quan cho khách du lịch trong và ngoài nước. Riêng đối với lĩnh vực logistics được xây dựng trở thành một trung tâm quan trọng logistics của vùng Đồng bằng sông Hồng với định hướng phát triển hoạt động vận tải, kho bãi, đồng thời tận dùng lợi thế trên trục thương mại để phục vụ các nhà máy địa phương, hoạt động bán lẻ và thương mại điện tử; Phát triển các dịch vụ logistics chuyên dụng như cảng cạn. Đặc biệt chú trọng các nhà kho cho hoạt động giao hàng chặng cuối và các nhà kho sản xuất chuyên sử dụng chứa các nguyên liệu đặc thù hoặc các bán thành phẩm trong chuỗi giá trị sản xuất…

Yến Ngọc

Biển đảo là quê hương