Học giả Đỗ Trọng Vỹ với những đánh giá về con người Bắc Ninh

08/09/2024 20:22 Số lượt xem: 379
Trong số các công trình địa chí triều Nguyễn có đề cập tới đức tính, bản sắc văn hóa của người Bắc Ninh cần kể tới sách “Bắc Ninh dư địa chí” của học giả Đỗ Trọng Vỹ. Đây là công trình chuyên khảo về địa chí tỉnh Bắc Ninh do một học giả người Bắc Ninh nghiên cứu và biên soạn, có đưa ra những nhận xét, đánh giá về con người Bắc Ninh với nhiều nội dung phong phú.

Theo sách “Tìm hiểu bản sắc văn hóa, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc”, Đỗ Trọng Vỹ vốn người gốc họ Nguyễn, hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật, quê làng Bình Ngô (trước năm 1980, xã An Bình trong đó có làng Bình Ngô thuộc huyện Gia Bình), nay thuộc phường An Bình, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đỗ Trọng Vỹ xuất thân từ một gia tộc và gia đình có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Thân phụ là cụ Đỗ Trọng Dư (1786-1868), đỗ Hương Cống khoa thi năm Gia Long thứ 18 (1819) từng được bổ các chức Tri huyện Chương Đức, Tri phủ Quốc Oai... Cụ Đỗ Trọng Dư là tác giả của truyện thơ Nôm Quan Âm Thị Kính, các sách Âm chất giải âm, Hành Kinh thi, Lạng Hành thi tập, Tự tri ngâm...
Đỗ Trọng Vỹ là con thứ tư của cụ Đỗ Trọng Dư, sinh năm 1829, đỗ Cử nhân khoa thi Giáp Tý năm Tự Đức thứ 17 (1864), xếp thứ ba, cùng khoa với Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Sau khi đỗ Cử nhân, Đỗ Trọng Vỹ được triều đình giao đảm trách các chức Huấn đạo, án sát sứ các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng và cuối cùng là Đốc học tỉnh Bắc Ninh. Khi Pháp chiếm Bắc Kỳ và tỉnh Bắc Ninh, Đỗ Trọng Vỹ về ở ẩn, mở trường dạy học và viết sách “Bắc Ninh dư địa chí”.
Thời gian làm Đốc học tỉnh Bắc Ninh, Đỗ Trọng Vỹ là người khởi xướng và chủ trì việc di dời Văn Miếu Bắc Ninh Từ Sơn phận Thị Cầu về núi Phúc Sơn, nay thuộc phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh và cho khắc bia đá “Kim bảng lưu phương” khắc ghi họ tên, quê quán gần 700 vị đại khoa (Tiến sĩ) quê hương Kinh Bắc và đặt thờ tại Văn Miếu Bắc Ninh.

 

Văn Miếu Bắc Ninh.


Công trình “Bắc Ninh dư địa chí” được Đỗ Trọng Vỹ biên soạn trong thời gian ở ẩn tại chùa Hàm Long (nay thuộc phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh). Đây là công trình khảo cứu công phu với những nội dung phong phú về tỉnh Bắc Ninh, bao gồm:
Phần 1: Nhân vật với nội dung: Các vị khoa mục, danh thần, võ tướng, nghĩa sĩ, nghĩa dân, nghĩa môn, những bậc cao cả trong đạo giáo, người ở ẩn, thầy thuốc có tiếng, hậu phi, đàn bà trinh tiết, con hiếu, cháu thuận, năm đời ở với nhau một nhà, giàu thọ nhiều con trai, bài ca Sóc Sơn của đồng Tiến sĩ Lê Duy Đản.
Phần 2: Dư địa chí Bắc Ninh: Về Phong tục: Các huyện Đông Ngàn (Từ Sơn), Tiên Du, Yên Phong, Quế Dương, Võ Giàng, Đông Anh, Siêu Loại (Thuận Thành), Gia Bình, Lương Tài, Gia Lâm, Phất Lộc (Lạng Giang), Phượng Nhớn, Yên Dũng, Đa Phúc, Hiệp Hòa, Kim Anh, Việt Yên, Yên Thế. Về Cổ tích: Có đền Kinh Dương Vương, đền Lạc Long Quân, đền Cổ Loa, miếu Triệu Vũ Đế, miếu Lý Nam Đế, miếu Sỹ Vương, đền Trưng Vương, miếu Đô Hộ Cao Vương, miếu Không Lộ Thiền Sư, đền Lý Bát Đế, đền Phù Đổng, miếu Chử Đồng Tử, đền Tam Giang Phượng Nhãn, đền Tam Giang Như Nguyệt, đền Cứu Sơn, đền Thủy thần, đền Cao Công, đền Trấn Vũ, đề Nguyễn Sứ Quân, đề Lã Sứ Quân, đề Đảo Kỳ Công, đến 9 Tướng quân nhà Đinh...
Qua những nội dung khảo cứu, biên chép công phu và phong phú trong sách “Bắc Ninh dư địa chí”, tác giả Đỗ Trọng Vỹ đã cho thấy vị trí, vai trò của tỉnh Bắc Ninh trong lịch sử dân tộc, sự phong phú, đặc sắc về văn hóa của miền quê Kinh Bắc, cũng thể hiện niềm tự hào và tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả sách “Bắc Ninh dư địa chí”. Đặc biệt, trong công trình khảo cứu này, Đỗ Trọng Vỹ đã có những nhận xét, đánh giá về con người Bắc Ninh qua phần trình bày phong tục chung của tỉnh và của riêng từng huyện.
Cụ thể, về phong tục chung của tỉnh, Đỗ Trọng Vỹ có nhận xét rằng: Xét kỹ trong tỉnh ta, Phủ Từ Sơn, Thuận Thành văn học nhiều, hai phủ Lạng Giang, Đa Phúc vũ dũng nhiều là do ở khí đất vậy... Nếu nói một cách khái quát thì về phong tục, tuy quê mùa chất phác nhưng thiên về có trước có sau, ít sự điên đảo, suy tệ. Xưa có câu nói về phong thủy đất Bắc Ninh như sau: Đất Bắc Ninh là đất bậc trung với khí tinh anh tốt đẹp, sĩ phu phần nhiều ngay thẳng, trung thực. Cái khí thô ác khi làm kẻ trộm cướp cũng hung hãn, khó ngăn ngừa...”.
Về phong tục của từng huyện ở các phủ, tác giả Đỗ Trọng Vỹ chủ yếu nêu về truyền thống khoa cử và văn học của từng huyện và ở những xã tiêu biểu, chẳng hạn: Phủ Từ Sơn có huyện Đông Ngàn là đất văn hiến hơn cả, xã nào cũng có văn học. Huyện Võ Giàng có xã Kim Đôi văn học chiếm nhiều nhất. Huyện Quế Dương có xã Quế Ổ có truyền thống vũ dũng từ xưa. Phủ Đa Phúc (Bắc Hà), có huyện Kim Anh là văn nhã nhất...

Trần Thảo

Bắc ninh xưa và nay