Kiên nhẫn và tử tế

06/09/2024 14:26 Số lượt xem: 143
Có một câu nói khiến tôi vô cùng thấm thía: “Đôi khi trở nên tử tế sẽ tốt hơn là trở nên đúng đắn. Chúng ta không cần đến một đầu óc thông minh để nói, mà cần một trái tim kiên nhẫn biết lắng nghe”. Điều này phản ánh sâu sắc triết lý về lòng từ bi và khả năng lắng nghe trong mối quan hệ giữa con người; không chỉ là lời khuyên dạy về cách ứng xử nhân văn giữa con người với con người mà còn là một phương châm sống hữu ích, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi mà cái tôi, cái của tôi, sự tranh cãi, xung đột và áp lực thường xuyên, thường trực, căng thẳng và leo thang.

Chúng ta trong cuộc sống gia đình cũng như xã hội thường đối mặt với những quan điểm trái ngược và ý kiến trái chiều. Nhiều người có xu hướng cố gắng chứng minh mình đúng, bằng mọi cách bảo vệ quan điểm của mình thay vì chú trọng cảm xúc và nhu cầu của người khác, dễ dẫn đến những cuộc tranh cãi không cần thiết và mất đoàn kết tập thể. Chúng ta cần sự lắng nghe, nhưng không đơn thuần chỉ là việc nghe thấy âm thanh mà điều thực sự cần là khả năng cảm nhận và hiểu được cảm xúc, suy nghĩ của người khác. Lắng nghe với sự kiên nhẫn và từ bi giúp xây dựng mối quan hệ hài hòa và giảm thiểu xung đột. Ví dụ trong gia đình, nếu một thành viên gặp khó khăn về tâm lý hoặc cảm xúc do một căng thẳng hay nỗi đau nào đó, họ rất cần sự an ủi, chia sẻ và hỗ trợ. Nếu người thân thể hiện sự quan tâm, yêu thương, kiên nhẫn và đồng cảm thì nỗi đau của người đó sẽ sớm được cải thiện và gia đình sẽ trở nên gắn bó hơn.
Trong các vấn đề xã hội, sự lắng nghe một cách bình tĩnh và nhân văn cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều cuộc tranh luận về chính trị, hay các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cũng thường dễ dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột nếu các bên đều chỉ tập trung vào lợi ích và chứng minh sự đúng đắn của quan điểm mình mà không lắng nghe và tôn trọng các quan điểm khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta luôn sẵn sàng thảo luận với tâm thế tử tế, công bằng, vì lợi ích chung một cách đúng đắn, lắng nghe nhau thì mọi việc chắc chắn sẽ tốt đẹp.

 


 Sự tử tế của chúng ta trong đời sống hàng ngày thể hiện bằng việc quan tâm chân thành đến cảm xúc và nhu cầu của người khác. Đôi khi hay nhiều khi, có những  tình huống mà lòng từ bi, tử tế có thể mang lại lợi ích lớn hơn nhiều so với việc chỉ tập trung vào chứng minh sự đúng đắn về mặt lý thuyết. Từng có câu chuyện về một bà lão đói khổ đã cố gắng ăn cắp một chiếc bánh mì trong cửa hàng tiện lợi để mang về cho đứa con sắp chết đói ở nhà. Khi nhân viên cửa hàng bắt gặp và gọi cảnh sát, thay vì còng tay bà lão như một tội phạm thì viên cảnh sát ấy đã hỏi nguyên nhân vì sao bà lại hành động như vậy. Biết hoàn cảnh đáng thương của bà lão, viên cảnh sát đã ngả mũ xin lỗi và tình nguyện bỏ mười đô la vào mũ để ủng hộ bà; tất cả mọi người có mặt khi ấy đều xúc động, họ đồng loạt xin lỗi bà và làm theo viên cảnh sát, chẳng mấy chốc chiếc mũ đã đầy tiền và bà lão có thể mua những thứ mình cần trong cửa hàng để mang về. Điều này cho thấy mặc dù sự đúng đắn là quan trọng, nhưng trong trường hợp này, sự tử tế quan trọng hơn, cao hơn sự đúng đắn. Nếu viên cảnh sát kia lạnh lùng bắt giữ bà lão thì sẽ không có bài học nào về sự nhân văn, tử tế và tốt đẹp có khả năng giáo dục và cảm hóa lòng người.
Một trái tim biết kiên nhẫn lắng nghe chắc chắn là một trái tim từ bi. Với sự thông minh nhanh nhạy, bạn có thể đạt được nhiều thành tựu và gặt hái nhiều thành công, nhưng nếu không có sự lắng nghe và cảm nhận được nhu cầu, cảm xúc của người khác thì bạn sẽ không thể thu phục được nhân tâm. Lắng nghe không chỉ là kỹ năng giao tiếp mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với người khác, khi ta lắng nghe với một tâm thái kiên nhẫn và chân thành, ta có thể đi sâu vào trái tim người khác và tạo ra sự kết nối sâu sắc. Một người biết lắng nghe sẽ xây dựng niềm tin và sự tôn trọng, điều mà chỉ thông minh thôi không thể làm được.

Gia Bảo