Xứng danh Thủ đô Anh hùng, ngàn năm văn hiến

09/10/2024 20:46 Số lượt xem: 86
Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954) là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân, dân ta, đặc biệt với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21-7-1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

 

Hình ảnh “Quân ta tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954” được tái hiện trong Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” ngày 6-10-2024 tại phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội).

 

Theo các điều khoản của Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Tuy nhiên, thực dân Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại, lôi kéo người di cư vào Nam, gây rối loạn. Biết trước âm mưu của Pháp, ý thức rõ tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội, ta thành lập Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.
Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 đến ngày 5-10-1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố trước, chuẩn bị cho việc tiếp quản. Chiều 9-10-1954, quân đội Pháp rời khỏi thành phố Hà Nội và quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Thủ đô.
Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Vào lúc 15 giờ, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Trong 10 năm (1954-1964), ở vùng ngoại thành Hà Nội, nông dân được chia ruộng đất. Nhiều công trình thủy lợi, nông trường, trại chăn nuôi, giao thông được mở mang phát triển. Nhiều trường Đại học lớn được xây dựng, bệnh viện được cải tạo, nâng cấp và xây mới. Các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc.
Đi đôi với việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, Nhân dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh và không ngừng chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân Hà Nội không sợ hy sinh đã chiến đấu anh dũng, sáng tạo. Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”.
Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô vượt muôn vàn khó khăn, thách thức, chủ động, nỗ lực, sáng tạo đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội đạt thành tựu nổi bật.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội (năm 2023) GRDP 6,27%, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước (5,05%). Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/người/năm. Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 410.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỉ đồng. Đến hết năm 2023, thành phố có 18/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích được chú trọng đầu tư và phát triển.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người những ngày đầu giải phóng, đến nay, Hà Nội có quy mô dân số hơn 8 triệu người. Hà Nội cũng là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn ngàn năm tuổi, là “Thành phố di sản”, nơi hội tụ và lan tỏa văn hóa, văn minh, nơi có bề dày trầm tích văn hóa với số lượng di sản lớn nhất cả nước với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phong phú, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc với 5.922 di tích được kiểm kê; 1.350 làng nghề, gần 1.700 lễ hội dân gian, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.
Từ một thành phố chịu nhiều tổn thương từ chiến tranh, với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã xây dựng Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.

Bảo Anh (Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)