Xu hướng kết hôn muộn và những hệ lụy

23/09/2024 13:55 Số lượt xem: 59
Ở cái tuổi tứ tuần, trong khi bạn bè đã kết hôn, sinh con thì chị Nguyễn Thị Hằng Nga (40 tuổi, phường Đông Ngàn, TP Từ Sơn) vẫn “độc thân, vui tính”. Chị Nga đã không còn ngần ngại khi đối mặt với những câu hỏi như “Khi nào lấy chồng?”, “Bao giờ mới được ăn cỗ cưới?”... mà luôn sống hạnh phúc và tự tin vào sự lựa chọn của mình. “Từ khi tốt nghiệp đại học, gia đình đã luôn giục mình kết hôn để có cháu cho ông bà bế hay như ông bà nói là để đạt được hạnh phúc viên mãn. Nhưng có lẽ do duyên số nên mình chưa gặp được đối tượng kết hôn ưng ý, qua 30 tuổi gia đình cũng ít nhắc đến chuyện kết hôn nên mình cũng kệ luôn và lựa chọn sống độc thân đến giờ”. Hiện chị Nga đang làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân với mức lương 18 triệu đồng/tháng, đủ để chi trả các khoản sinh hoạt cá nhân và tích góp cho bản thân sau này. “Nếu sau này vẫn chưa thể kết hôn thì khoản tích góp ấy mình sẽ dành để vào trại dưỡng lão an hưởng tuổi già mà không còn phải bận tâm vào điều gì nữa”, chị Nga chia sẻ.

Tương tự, dù gia đình thường xuyên hối thúc, song anh Nguyễn Đình Vinh (34 tuổi, phường Võ Cường , TP.Bắc Ninh) vẫn còn độc thân. Chàng trai làm IT ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho rằng cuộc sống quá khó khăn khi mà giá thuê nhà tăng, phí sinh hoạt leo thang nhưng lương giảm, kiếm tiền là tất yếu, kiếm bạn gái là điều xa xỉ. “Không phải tôi lười yêu, ngại kết hôn mà chỉ đơn giản là tài chính hiện tại không thể chi trả thêm khoản ‘tình phí’, chưa nói đến kết hôn”, anh Vinh nói. Anh cho biết sẽ trì hoãn kết hôn đến khi tự mua được nhà, đủ tiền lo cho con đi học và đảm bảo mức sống tối thiểu cho cả gia đình. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều năm nay anh Vinh vẫn luôn làm hai công việc cùng lúc nhưng vẫn chưa thể kết hôn.
Suy nghĩ của chị Nga hay anh Vinh là biểu hiện của sự thay đổi trong xu hướng kết hôn của người trẻ Việt ngày nay và chính quan điểm khác biệt đó dẫn đến sự thay đổi trong xu hướng kết hôn của người trẻ Việt. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2022, sau 23 năm kể từ 1999, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam đã tăng thêm 3,6 năm trong khi của nữ tăng 1,9 năm. Đến nay, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam đã là 29,3 tuổi, còn tuổi kết hôn trung của nữ là 25,1 tuổi. Cùng với xu hướng kết hôn muộn, nhiều người trẻ cũng chọn việc yêu nhưng không muốn ràng buộc hôn nhân. Số liệu gần nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ người độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019. Như vậy, trong vòng 15 năm, tỷ lệ người chọn không kết hôn đã tăng gần gấp đôi.

 


Đầu tư để hoàn thiện bản thân và đợi đến lúc gặp đúng người, đúng thời điểm, chắc chắn là một cách nghĩ đúng đắn để kiếm tìm một hạnh phúc gia đình thực sự. Nhưng cũng nên lưu ý một thực tế khác là tác động xấu của tuổi tác đối với vấn đề sinh con trong hôn nhân.
Theo các chuyên gia, ảnh hưởng rõ nhất của xu hướng kết hôn muộn chính là khả năng sinh con. Sau tuổi 35, con người dễ bị trục trặc về tâm sinh lý và dễ rơi vào trạng thái trống rỗng, lo âu. Về mặt sinh học, phụ nữ độ tuổi từ 20 đến trước 30 tuổi là thời điểm dễ thụ thai nhất, chất lượng trứng cũng tốt nhất. Việc kết hôn muộn và sinh con muộn khiến người phụ nữ phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong đó có vô sinh hiếm muộn. Bởi phụ nữ càng lớn tuổi, nhất là sau 35 tuổi, khả năng thụ thai giảm dần. Ngoài ra, phụ nữ kết hôn, sinh con muộn còn đối diện với nhiều nguy cơ trong thời gian mang thai, sinh con như bị đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, sảy thai, thai chết lưu…
Ngoài vấn đề về sinh sản, xu hướng người trẻ ngại cưới, không muốn kết hôn, kết hôn muộn… có thể dẫn đến hệ lụy là Việt Nam đối diện nguy cơ dân số suy giảm và hậu quả lớn nhất là già hóa dân số. Theo dự báo của Cục Dân số, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có dân số già, tức người 60 tuổi trở lên chiếm 20%. Đến năm 2050, Việt Nam có thể sẽ có dân số siêu già, nghĩa là người cao tuổi chiếm đến 35%. Từ đó kéo theo tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước.
Việc kết hôn và sinh con là lựa chọn của mỗi người, tùy vào điều kiện và kế hoạch của cá nhân, gia đình để quyết định. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng nên cân nhắc sớm kết hôn khi còn trẻ để có thể tránh những hệ lụy xấu do kết hôn muộn gây ra.

Thanh Tùng